Chuyển đổi số là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng thành phố thông minh, hiện đại cho Hà Nội.
Hà Nội đã và đang quyết tâm cao hướng tới xây dựng một chính quyền thân thiện, thông minh, sử dụng số hóa trong quản lý, điều hành ở các cấp, tránh phiền hà, tiêu cực. Thời gian qua, song hành với việc đi đầu cả nước trong thực hiện thí điểm mô hình phân cấp, ủy quyền cải cách thủ tục hành chính, nhờ có công nghệ thông tin, nhiều lĩnh vực của Thủ đô đang được đổi mới, khơi thông.
* Xây dựng thành phố thông minh
Chuyển đổi số là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng thành phố thông minh, hiện đại cho Hà Nội. Để thực hiện điều này, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa quản lý đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều lĩnh vực đang được hưởng tiện ích từ công nghệ số mang lại như: Hệ thống quản lý đô thị thông minh; các hệ thống giám sát và quản lý giao thông, môi trường, an ninh công cộng thông qua việc sử dụng cảm biến, camera và dữ liệu lớn (big data). Điều này giúp cải thiện khả năng phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp và tối ưu hóa lưu thông. Cùng đó, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và tiện lợi, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu tình trạng tham nhũng, nâng cao tính minh bạch.
Thành phố khuyến khích phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ các startup công nghệ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số. Hà Nội cũng chú trọng đến việc sử dụng công nghệ để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường như: Hệ thống chiếu sáng thông minh, quản lý nước và rác thải hiệu quả.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một chiến lược quan trọng để Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, xứng tầm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và tạo ra một môi trường sống bền vững.
Hà Nội chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, với việc phát triển các nền tảng học trực tuyến và hệ thống quản lý học sinh, sinh viên. Trong lĩnh vực y tế, thành phố đã ứng dụng telemedicine, cho phép người dân được tư vấn và khám bệnh từ xa, giảm thiểu thời gian chờ đợi.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại điện tử, quản lý đô thị thông minh, với mục tiêu xây dựng một thành phố hiện đại, tiện nghi và bền vững. Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế cho Thủ đô trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Hà Nội đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đề ra 15 mục tiêu đến hết 2025.
Tính đến tháng 9/2024, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành, trong đó 7 mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu giao đến hết năm 2025; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai, trong đó 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.
Hà Nội phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại.
Sự quyết tâm của Hà Nội trong việc tạo cơ chế, chính sách, mô hình và đầu tư cho chuyển đổi số thể hiện khá rõ nét. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15 5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn. Trước đó, thành phố cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
* Chuyển đổi số toàn diện
Từ năm 2021 đến nay, đã có 14.837 lượt cán bộ, công chức, viên chức của thành phố được đào tạo, bồi dưỡng về Kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Hà Nội cũng tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; đã tiếp xúc, trao đổi với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của châu Âu, Australia, Tổ chức Chính phủ điện tử Thế giới (WeGO).... về xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số và các giải pháp công nghệ mới liên quan đến các lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, năng lượng, giao thông, ứng cứu khẩn cấp, quản lý đô thị... trong xây dựng thành phố thông minh.
Việc tổ chức triển khai chuyển đổi số của thành phố được thực hiện đồng bộ, toàn diện tới các ngành, cấp chính quyền; bước đầu cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực. Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc (từ năm 2020 năm 2022), trong đó riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021 (đánh giá và công bố năm 2023).
Trong năm 2024, Trung tâm dữ liệu hành chính hiện đại với công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn thông tin là cấu phần quan trọng của hạ tầng dữ liệu phục vụ triển khai Chính quyền điện tử thành phố sẽ được đưa vào vận hành. Thành phố tiếp tục duy trì mạng diện rộng (mạng WAN) tại các cơ quan nhà nước thuộc Hà Nội tích hợp vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã kết nối với 7 hạ tầng thông tin/cơ sở dữ liệu của Hà Nội và 14 hạ tầng thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành; trong đó có chức năng Single Sign On (SSO) - chức năng giúp công chức, viên chức đăng nhập một lần vào các hệ thống thông tin của thành phố.
Hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thành phố (lĩnh vực nội vụ) đã triển khai tới 95 cơ quan, đơn vị; đã cấp 140.797 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị tham gia khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu. Đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội đã cập nhật 139.882 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vào hệ thống và đồng bộ 139.022 hồ sơ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, hệ thống thông tin quản lý dự án thành phố đã được triển khai tới các đơn vị trên địa bàn; đã có 2.371 tài khoản được cấp cho các đơn vị tham gia khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu; tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin cơ bản cho 6.600 dự án (sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách) trên hệ thống phần mềm.
Hà Nội cũng đã thực hiện đối soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu lĩnh vực người có công, an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. Về số hóa dữ liệu hộ tịch, 19/30 quận, huyện đã số hóa với tổng số: 5.212.287 việc hộ tịch. Để bảo đảm triển khai các hoạt động giao dịch trên môi trường số, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hơn 61 nghìn chữ ký số đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; hơn 72 nghìn chữ ký số công cộng đã được cấp cho công dân Hà Nội.
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội đứng đầu Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Còn theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES). Hà Nội đứng đầu về chỉ số Quản trị điện tử.../.