Sáng 3/10, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương với chủ đề “Chuyển đổi số - Bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa”.
Diễn đàn thu hút nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghệ thông tin của tỉnh và Trung ương tham dự.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Qua hơn 3 năm (từ năm 2021 đến nay), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nhận thức của cán bộ các cấp được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được áp dụng rộng rãi; cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh cung cấp cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được mong đợi như kế hoạch đã đề ra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn các đại biểu đề xuất giải pháp để Khánh Hòa đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là trong một số lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp.
Ông Vũ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Cục viễn thông, Bộ thông tin và Truyền thông chia sẻ: Việt Nam dự kiến sẽ có nền kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Do đó, việc chuyển đổi số là một nội dung quan trọng với vai trò của không gian mạng và hạ tầng số cần được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này, việc triển khai mô hình gắn kết “3 nhà”: Nhà nước, nhà mạng, nhà ứng dụng cần được quan tâm và thực hiện đầy đủ.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh nhấn mạnh, là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu chuyển đổi số của cả nước, Chính quyền số của Thừa Thiên - Huế dựa trên 4 nền tảng chung: Nền tảng xác thực, nền tảng làm việc số, nền tảng báo cáo số, nền tảng bản đồ số. Điểm nổi bật khác của chuyển đổi số ở tỉnh là dịch vụ đô thị thông minh - nơi kết nối giữa chính quyền và người dân, với 1 triệu tài khoản đăng ký, trên 20 dịch vụ đô thị thông minh được người dân sử dụng.
Ý kiến của các chuyên gia, diễn giả tại diễn đàn lần này là những tiền đề cơ bản quan trọng, giúp Khánh Hòa có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong tương lai, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 19/10/2021, Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định 3 mục tiêu phát triển là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2030, tỉnh xác định hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; Khánh Hòa nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, các hệ thống chuyển đổi số đã triển khai ở tỉnh gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã kết nối, tích hợp với 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Việc triển khai chính quyền số - điện tử thương mại của Khánh Hòa cũng được thực hiện theo 3 trục tam giác (hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng thông minh) và 6 trụ cột phát triển chuyển đổi số: Kinh tế thông minh, giao thông thông minh, công dân thông minh, quản trị thông minh, đô thị/môi trường thông minh và đời sống thông minh./.
- Từ khóa:
- chuyển đổi số
- đột phá
- phát triển
- kinh tế
- khánh hòa