Khoa học

Chuyển đổi số: Khắp nơi sôi nổi hưởng ứng

Cần Thơ

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; các địa phương cần triển khai các kế hoạch hành động cụ thể trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 10/10, tại các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Quảng Nam, Đà Năng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

* Hướng tới chuyển đổi số toàn diện

Thành phố Cần Thơ ra mắt nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs). Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Nguyễn Trung Kiên

Sáng 10/10, tại hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; vì vậy, thành phố cần hướng đến triển khai các kế hoạch hành động cụ thể trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết, thành phố sẽ sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030; đồng thời, tăng cường đào tạo và tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đang hướng đến cắt giảm giấy tờ, hồ sơ, rút ngắn thời gian và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng công nghệ mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, Cần Thơ tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn; qua đó, phát triển đầy đủ và ổn định hạ tầng số, các nền tảng dùng chung; từng bước hình thành Kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

Thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn có sự ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng đang thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên nhiều lĩnh vực như: thương mại điện tử, thanh toán điện tử, giáo dục trực tuyến...

Dịp này, Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs dành riêng cho thành phố Cần thơ được ra mắt. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ Huỳnh Hoàng Mến cho biết, nền tảng sẽ tạo cơ sở cho việc đánh giá năng lực chuyển đổi số của các đơn vị trên địa bàn. Trên cơ sở đăng ký của các cơ quan, đơn vị, Sở đã cấp hơn 10.000 tài khoản cho các học viên và xây dựng chương trình học phù hợp với từng đối tượng. Những năm tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để triển khai nhiều khóa học chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng một cách quyết liệt và hiệu quả. Nền tảng MOOCs cũng sẽ được các ngành, địa phương khai thác sử dụng trở thành nền tảng đào tạo chung của thành phố.

*Sôi nổi hưởng ứng Ngày hội chuyển đổi số

Ngày 10/10, UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam khai mạc Ngày hội chuyển đổi số với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, thành phố xem chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở đó, thành phố tập trung hoàn thiện hạ tầng mạng tốc độ cao kết nối các cơ quan, đơn vị thành phố; đầu tư nâng cấp trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh với nòng cốt là hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông và hệ thống giám sát, cảnh báo ngập lụt.

Thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở kinh doanh; thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt; đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, thành phố Tam Kỳ hoàn thiện việc chuyển giao nhiệm vụ tại Trung tâm Hành chính công thành phố cho doanh nghiệp bưu chính công ích, nâng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường mạng lên hơn 96%, nhiều địa phương đạt 100%.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, UBND thành phố Tam Kỳ cũng tổ chức nhiều hoạt động như: triển khai các gian hàng giới thiệu, trưng bày, trải nghiệm giải pháp, sản phẩm công nghệ số; ngân hàng số; hướng dẫn và thực hiện cấp căn cước, định danh điện tử cho trẻ em, học sinh dưới 14 tuổi; hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức tọa đàm về hoạt động sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp trên nền tảng số; phát động hội thi “Tuổi trẻ hành động trong kỷ nguyên số: "Tôi tự tin"; ra mắt công trình số hóa địa chỉ tình nguyện và công trình số hóa địa chỉ du lịch cộng đồng Tam Thanh; tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội”; phát động phong trào “Phụ nữ thành phố Tam Kỳ đi chợ không dùng tiền mặt”,…

Thông qua ngày hội, chính quyền thành phố Tam Kỳ mong muốn các phòng ban, đơn vị, xã phường tiếp tục có những hành động, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Mỗi người dân hãy là công dân số, tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt; cài đặt, tích hợp và sử dụng các ứng dụng tiện ích trong VNeID”.

* Xây dựng thành phố thông minh

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số. 
Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Ngày 10/10, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023.

Theo đó, năm 2023, Đà Nẵng có 16 đơn vị đạt hạng xuất sắc gồm: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Du lịch; Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ; Công an thành phố; Cục Hải quan; UBND các phường Thạc Gián, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Châu, An Hải Đông, Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số như: Cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; nhiệm vụ trong Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp Công an thành phố nghiên cứu các hình thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, tạo sự an tâm cho người dân khi ứng dụng công nghệ thông tin…

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đánh giá, các cơ quan, địa phương đã nỗ lực khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Một số cơ quan đã tăng điểm và tăng vị trí xếp hạng như: Sở Xây dựng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Công an thành phố. Tuy nhiên, các cơ quan như Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội thành phố vẫn chưa có cải thiện. Mức độ tương quan giữa kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 và cải cách hành chính năm 2023 tương đối cao, cho thấy kết quả triển khai chuyển đổi số đóng góp khá lớn vào kết quả cải cách hành chính của mỗi cơ quan, địa phương. Tuy vậy, nhiều cơ quan chưa xây dựng kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành nên việc đề xuất, đăng ký, triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án chuyển đổi số mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Hạ tầng, nền tảng chính quyền điện tử thành phố được đầu tư đến nay đã hơn 10 năm, không còn đáp ứng với xu hướng công nghệ mới và nhu cầu người dùng, phát sinh một số sự cố hệ thống ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ và xử lý hồ sơ công việc, dịch vụ công của các cơ quan, địa phương…/.

Nhóm PV TTXVN

Tin liên quan

Xem thêm