Khoa học

Chuyển đổi số: Người dân được thụ hưởng thành quả

Bắc Ninh

Công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật; người dân từng bước thụ hưởng các thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số.

Ngày 10/10, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ. Từ những hoạt động tích cực đó, người dân từng bước được thụ hưởng các thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số.

*Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động

Các đại biểu nhấn nút khai trương Trang thông tin đối ngoại tỉnh Bắc Ninh. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Sáng 10/10, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình phát động Phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025”; cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 và cuộc thi sáng kiến Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đề nghị các cấp, ngành tăng cường truyền thông về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đầu tư nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin, phủ sóng mạng viễn thông di động đảm bảo năng lực triển khai chính quyền số và đô thị thông minh. Sở phối hợp Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số về làm việc, đóng góp cho tỉnh...

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan ứng dụng gian hàng trên nền tảng số tại hội nghị. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Hiền cho biết: Thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Ninh diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật. Người dân từng bước thụ hưởng các thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số.

Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam năm 2022, Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%; chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; chỉ số an toàn thông tin mạng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Một trong những tiện ích xã hội đang phát huy hiệu quả cao trong thực hiện chuyển đổi số là ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” tỉnh Bắc Ninh trên thiết bị di động. Hiện nay, Ứng dụng được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1.500 tài khoản; tiếp nhận hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực; tỷ lệ xử lý đạt trên 95%. Công tác giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh, cung cấp 1.385 dịch vụ công trực tuyến/1.817 thủ tục hành chính.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2024 được khen thưởng.
 Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Toàn tỉnh tích hợp 1.170 dịch vụ công thường xuyên phát sinh hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 86%; tỷ lệ số hóa thủ tục, thành phần hồ sơ trên toàn tỉnh đạt trung bình hơn 98%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã bảo đảm các điều kiện về mặt kỹ thuật để triển khai thử nghiệm cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân trên ứng dụng VNeID từ ngày 1/10...

Tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Hạ tầng mạng viễn thông được quan tâm đẩy mạnh, là một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng số, làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn.

Nhân dịp này, 6 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2024 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

* Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. 
Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Ngày 10/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo chuyển đổi số tỉnh năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động tỉnh Bắc Giang”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, tỉnh đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tuy nhiên chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Bắc Giang cần tiếp tục đẩy mạnh việc phổ cập hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu và thúc đẩy sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động của tỉnh.

Thông điệp của UBND tỉnh Bắc Giang về đẩy mạnh chuyển đổi số thời gian tới là tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng viễn thông, Internet và hạ tầng công nghệ số đồng bộ để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số và xã hội số. Địa phương tập trung chuẩn hóa, xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung trên toàn tỉnh, đảm bảo dữ liệu của các cấp, ngành được kết nối theo thời gian thực; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển các dịch vụ số thiết yếu trong y tế, giáo dục, văn hóa; tăng cường năng lực bảo đảm an toàn thông tin; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số...

Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn tham quan gian hàng chuyển đổi số của doanh nghiệp. 
Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN 

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền mà còn tạo cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chia sẻ về hiệu quả triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, bà Lê Thị Hoàng Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này, tổng số khách hàng thực hiện mở tài khoản thanh toán là hơn 2,4 triệu người với tổng số tài khoản thanh toán được mở là hơn 2,8 triệu tài khoản; tổng số thẻ phát hành là 1,71 triệu thẻ với 227 máy ATM và 1.414 máy POS hoạt động ổn định. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các ngân hàng đạt 105,6 triệu giao dịch với giá trị trên 984 nghìn tỷ đồng; qua kênh Internet đạt 43,5 triệu giao dịch với giá trị trên 311 nghìn tỷ đồng; qua kênh điện thoại di động đạt 101 triệu giao dịch với giá trị đạt 729 nghìn tỷ đồng, giao dịch qua QR Code đạt trên 3 triệu giao dịch với giá trị 9 nghìn tỷ đồng; qua POS đạt hơn 1,5 triệu giao dịch với giá trị thanh toán 10.437 tỷ đồng. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt và tiếp tục tăng trưởng...

* Chuyển đổi số trên 3 trụ cột

Vụ trưởng vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Minh Tuấn cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày tại hội thảo. 
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Ngày 10/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Phú Thọ năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang khẳng định, chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực triển khai chuyển đổi số trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), với phương châm chính quyền số đi đầu dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hội thảo là dịp các diễn giả, doanh nghiệp chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm hay; các giải pháp, định hướng đối với phát triển kinh tế số, xã hội số đối với tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về: Phát triển hạ tầng số; nâng cấp các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; bảo đảm an ninh thông tin, an toàn cơ sở dữ liệu chia sẻ; phát triển nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.

Vụ trưởng vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Minh Tuấn chia sẻ về những định hướng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số tỉnh Phú Thọ. 
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đồng hành, hỗ trợ để Phú Thọ chuyển đổi số trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Năm 2023, Phú Thọ đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng chính quyền số, đạt được thứ hạng cao trong xếp hạng các tiêu chí này so với cả nước. Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, tỉnh sớm ban hành Kế hoạch phát triển năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tại tỉnh. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tường phát biểu khai mạc hội thảo. 
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Tính đến tháng 10/2024, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,7%; tỷ lệ lao động kinh tế số đạt 4,9%; 73,9% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản có tài khoản thanh toán điện tử; 87,5% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; 76,77% hộ gia đình có cáp quang băng rộng.

Thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, gần 980 nghìn tài khoản định danh điện tử; hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với trên 1 triệu dữ liệu, góp phần đẩy mạnh khai thác các tiện ích từ Đề án 06 và đăng nhập giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến…/.

Nhóm PV TTXVN

Tin liên quan

Xem thêm