Công tác lãnh đạo, điều hành của thành phố Đà Nẫng từng bước chuyển đổi sang môi trường số dựa trên dữ liệu số thông qua Trung tâm IOC thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Ngày 8/10, tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được của Sở trong công tác dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Những thành tích này đã đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cơ quan, ban, ngành khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị với Chính phủ để tham gia góp ý về Luật Công nghệ thông tin và Luật Dữ liệu; rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố nhằm nâng cao hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục tham mưu bố trí nguồn lực, hợp tác liên kết để đầu tư cơ sở công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong đó chú trọng xây dựng hạ tầng đường truyền, thiết bị đầu cuối, phần mềm; tập trung vào việc hoàn thiện một số cơ sở dữ liệu ở một số ngành trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, với mục tiêu hiện đại hóa hành chính công; triển khai tích hợp đề án chuyển đổi số và đề án thành phố thông minh thành một đề án. Các sở, ban ngành sớm tham gia góp ý vào việc khai thác khu công viên phần mềm số 2 trước ngày 15/10; trong đó phải chuẩn bị phương án về giá để Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và trình đề án trước ngày 30/10.
Về hoạt động của Trung tâm DSAC (Trung tâm đào tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo), ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị cơ quan chức năng bổ sung thu nhập 0,8 lần quỹ lương cơ bản cho nhân viên Trung tâm này, đặc biệt tham mưu đề xuất cho nhân viên làm việc tại đây có thêm khoản phụ cấp đặc thù trong thời hạn nhất định (từ 3-5 năm); đồng thời bố trí diện tích sàn tại công viên phần mềm số 2 cho Trung tâm. Với chính sách ưu đãi không thu phí và có cơ chế bao cấp miễn phí điện, nước. Đây là chính sách nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc tại đây; đồng thời bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách và tạo cơ chế tìm nguồn xã hội hóa, quỹ đầu tư vào việc phục vụ đào tạo giảng viên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho hay, quá trình triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh, Đà Nẵng đã hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu GIS không gian đô thị, kho kết quả thủ tục hành chính số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; kết nối, chia sẻ, cung cấp gần 1.200 bộ dữ liệu mở để khai thác, tạo ra giá trị phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về chính quyền số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65%; được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá có nhiều mô hình, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả và chọn là mô hình điểm để tổng kết, nhân rộng toàn quốc. Công tác lãnh đạo, điều hành của thành phố từng bước chuyển đổi sang môi trường số dựa trên dữ liệu số thông qua Trung tâm IOC thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và kinh tế số, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin của thành phố tăng trưởng bình quân 10-15%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 15%/năm. Quy mô kinh tế số năm 2023 chiếm 20,69% GRDP thành phố (vượt chỉ tiêu năm 2025 là 20%); có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước)…
Về xã hội số, Đà Nẵng đã đạt kết quả bước đầu như: phát triển các nền tảng, ứng dụng thông minh và cung cấp các tiện ích, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; người dân sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền, tham gia đóng góp hiến kế xây dựng thành phố trên môi trường số…/.