Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng
Hiện nay, tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn tinh vi, nhất là tình trạng lộ thông tin cá nhân, gọi điện, tin nhắn, quảng cáo cho vay tiền lãi cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây bức xúc dư luận xã hội. Trả lời kiến nghị cử tri, nhân dân về các giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian gần đây, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên phức tạp dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi đã gây hậu quả, tác động tiêu cực lớn tới xã hội, trong đó mạng xã hội là một trong những phương thức được các đối tượng khai thác triệt để để thực hiện hành vi lừa đảo. Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống vấn nạn nêu trên,
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao, từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ cũng đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động. Tới thời điểm hiện tại, Bộ đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 3 doanh nghiệp viễn thông di động gồm: Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 1/7 đến 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 6/6 đến 5/8/2024. Đây là hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước; Bộ đã tiên phong triển khai từ tháng 10/2023. Hiện, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để thúc đẩy việc triển khai chính thức định danh cuộc gọi từ các số liên hệ chính thức của các đơn vị của Bộ Công an.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến những đối tượng, số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo. Các cơ sở dữ liệu bao gồm việc thu thập dữ liệu các website, tên miền, người dùng mạng xã hội để lừa đảo và các hành vi lừa đảo phổ biến để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dùng mạng. Danh sách này được cập nhật liên tục để bảo đảm rằng thông tin về các đối tượng lừa đảo luôn chính xác và kịp thời, giúp cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhanh chóng các trường hợp lừa đảo mới.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp mạng xã hội, như: Facebook, TikTok..., chủ động triển khai các biện pháp giám sát, rà soát, và xử lý các nội dung có dấu hiệu lừa đảo trên nền tảng của mình. Các doanh nghiệp cũng cần đưa ra cảnh báo, hướng dẫn người sử dụng nhận biết các dấu hiệu lừa đảo, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.
Bộ phối hợp với các cơ quan địa phương và tổ chức doanh nghiệp nhằm triển khai các chiến dịch truyền thông, cảnh báo tới người dân về các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng. Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó giảm thiểu các rủi ro mà người dân có thể gặp phải.
Thời gian tới, các Bộ: Thông tin và Truyền thông và Công an sẽ xem xét trình Chính phủ ban hành các quy định và biện pháp mới nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có việc yêu cầu xác minh danh tính đối với người sử dụng mạng xã hội; tăng cường kiểm soát các nền tảng mạng xã hội; ngăn chặn quảng cáo lừa đảo. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý; đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại nhằm phát hiện nhanh chóng các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý mạng.
Các đơn vị tiếp tục triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo trên mạng, giúp họ nhận biết và phòng tránh hiệu quả; xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ./.
- Từ khóa:
- ngăn chặn nạn lừa đảo
- không gian mạng