Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, với cam kết đưa mức phát thải ròng của nước ta tiến tới bằng 0 vào năm 2050, ngành Năng lượng nguyên tử đóng góp cho quá trình này bằng nỗ lực nghiên cứu những giống cây trồng mới chống hạn, chống mặn; giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước giúp đảm bảo cuộc sống người dân; công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh…
Trong hai ngày (3-4/10), tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ VIII.
Chia sẻ bên lề Hội nghị, Tiến sỹ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Năng lượng nguyên tử là nguồn nhân lực. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ứng dụng, số lượng cán bộ đầu đàn cần tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Cụ thể, ngành Năng lượng nguyên tử đang trong giai đoạn phát triển mới với ngày càng nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực được nghiên cứu, thử nghiệm, tạo cơ hội đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, với cam kết đưa mức phát thải ròng của nước ta tiến tới bằng 0 vào năm 2050, ngành Năng lượng nguyên tử đóng góp cho quá trình này bằng nỗ lực nghiên cứu những giống cây trồng mới chống hạn, chống mặn; giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước giúp đảm bảo cuộc sống người dân; công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh…
Theo Tiến sỹ Trần Chí Thành, Năng lượng nguyên tử là ngành rất khó học tập, nghiên cứu. Để đào tạo được một chuyên gia làm việc được phải mất trên 10 năm. Với chuyên gia đầu ngành, thời gian có thể nhiều hơn và đi kèm những điều kiện đặc biệt khác.
Viện Năng lượng nguyên tử đang xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt tập trung vào nguồn cán bộ trẻ với quy trình đào tạo bài bản, tương đồng với các nước tiên tiến, có ngành năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phát triển. Cụ thể, cán bộ trẻ, sau khi được đào tạo trong nước sẽ được lựa chọn để cử đi làm việc tại các cơ sở nghiên cứu năng lượng nguyên tử, hạt nhân hàng đầu tại nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với những kiến thức, công nghệ mới nhất trong ngành, từ đó "thổi" vào họ ngọn lửa đam mê với ngành khó này.
Tiến sỹ Trần Chí Thành cũng cho rằng, ngoài việc thu hút cán bộ trẻ vào làm việc ngành Năng lượng nguyên tử với mức lương phù hợp, rất cần chính sách ưu đãi hấp dẫn, sự động viên, khích lệ của các chuyên gia đi trước.
“Với cách này, Việt Nam có khả năng đào tạo được những chuyên gia hàng đầu. Đây là một vấn đề rất lớn bởi nếu không có những chuyên gia hàng đầu, khó có thể có một chương trình hạt nhân thành công. Bản thân tôi và những chuyên gia trong Viện luôn đau đáu cho câu chuyện này bởi tôi biết đây là chìa khóa thành công của ngành”, Tiến sỹ Trần Chí Thành chia sẻ.
Tiến sỹ Trần Chí Thành cũng cho biết, điều các cán bộ trẻ đang thiếu hụt hiện nay là kỹ năng làm việc nhóm, cùng nhau đưa ra ý tưởng, giải quyết vấn đề. Đây là cách làm việc tiên tiến hiện nay trong công tác nghiên cứu khoa học./.
- Từ khóa:
- Ngành Năng lượng nguyên tử
- nhân lực