Nhờ chuyển đổi số, các thiết bị y tế được kết nối với nhau, giúp công tác khám, chữa bệnh trở nên dễ dàng, chính xác và kịp thời hơn; các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực y tế được đơn giản hóa, quản lý tốt hơn.
Sáng 2/10, Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiến, Viện Trưởng Viện lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, chuyển đổi số lĩnh vực y tế trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh của ngành Y tế tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước và của người dân trên công nghệ số. Nhờ chuyển đổi số, các thiết bị y tế được kết nối với nhau, giúp công tác khám, chữa bệnh trở nên dễ dàng, chính xác và kịp thời hơn; các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực y tế được đơn giản hóa, quản lý tốt hơn. Việc khám, chữa bệnh không chỉ gói gọn theo kiểu truyền thống mà có thể thực hiện từ xa, trực tuyến, có thể huy động nguồn lực khắp nơi trên thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến thực trạng quản trị công cấp tỉnh; kết quả triển khai các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Bình Thuận. Các đại biểu phân tích, nhận diện những khó khăn, “điểm nghẽn” của tiến trình chuyển đổi số y tế, đặc biệt là tiếp cận, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân; khả năng, năng lực thích ứng của người dân, nhất là đồng bào dân thiểu số trong việc thực hiện chuyển đổi số…
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận Đặng Thức Anh Vũ, tỉnh đã có những chuyển biến rất tích cực trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiều dịch vụ công trong lĩnh vực y tế đã được triển khai trực tuyến, liên thông giữa các tuyến trên địa bàn của tỉnh. Đến nay, ngành Y tế tỉnh đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đối với 49 thủ tục hành chính. Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc tiếp nhận văn bản đến, phát hành văn bản đi qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; phần mềm quản lý công việc đạt 99%... Từ đầu năm 2024 đến nay, có 10/14 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện đã thực hiện được việc tổ chức trên thực tế thanh toán các dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (chiếm 71,4%) với hơn 4.500 lượt.
Từ tháng 6/2024 đến nay, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã khởi tạo, định danh hồ sơ sức khỏe điện tử theo Quyết định 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về thí điểm tích hợp sổ sức khỏe điện tử lên VNeID. Đến nay, số liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo, định danh cho bệnh nhân nội, ngoại tỉnh là gần 1,4 triệu hồ sơ; 92 % dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử.
Hội thảo cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển số trong lĩnh vực y tế của tỉnh. Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 8,5% dân số. Đây là bộ phận dân số gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản của chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng. Bên cạnh đó, Bình Thuận đang gặp phải những khó khăn chung như các địa phương khác trên cả nước như: hồ sơ sức khỏe điện tử chưa được phổ biến; cơ sở hạ tầng trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý…
Hội thảo đã góp phần tích cực vào việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách có tính khả thi, thực chứng hơn, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, cải thiện dần chất lượng dịch vụ y tế các cấp của tỉnh Bình Thuận, thúc đẩy chuyển đổi số không trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số trong quản trị xã hội nói chung./.