Diễn đàn nhằm tạo cơ hội kết nối công nghệ, thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các nhà khoa học với các Doanh nghiệp.
Phát biểu tại “Diễn đàn công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 10 năm qua, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới; năng suất trồng rừng đạt bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt trên 40 tấn/ha, cao gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ.
Diễn đàn nhằm tạo cơ hội kết nối công nghệ, thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các nhà khoa học với các Doanh nghiệp. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) diễn ra tại Hà Nội ngày 1/10. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến xu thế phát triển, thực trạng và một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thách thức và định hướng phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Nông nghiệp…
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng, muốn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đổi mới từ khâu xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ và phải có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.
Cùng với đó, cần có sự tiếp cận ngay từ đầu theo phương thức doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng tìm đến các doanh nghiệp. Hai bên cần có sự đồng hành, hợp tác ngay từ giai đoạn đầu khi có ý tưởng đến sản phẩm cuối cùng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngay sau khi nhà khoa học, tổ chức khoa học và doanh nghiệp xác nhận phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học, cần tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai dự án khuyến nông. Đây là chuỗi quan trọng nhằm chuyển giao khoa học và công nghệ có kết quả. Do đó, hai Bộ cần có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện.
Chia sẻ về cơ chế, chính sách và định hướng phát triển khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Cùng với đó, xây dựng tổ chức khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất.
Với những mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các bước chuyển tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; chuyển từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp…; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ninh, định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện từ khâu đổi mới thể chế, cơ chế chính sách. Điển hình là việc cơ cấu lại tổ chức khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ; hoàn thiện hệ thống văn bản thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời, huy động nguồn lực, đầu tư hiệu quả khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết viện, trường, doanh nghiệp trong đầu tư, nghiên cứu chuyển giao; hình thành sàn giao dịch khoa học công nghệ; giao quyền khai thác, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ chủng, giống, chế phẩm…
Ông Nguyễn Mai Dương nhận định, trong bối cảnh hiện nay, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...
“Để biến thách thức thành cơ hội, ngành Nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trong đó phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, ông Nguyễn Mai Dương cho biết./.