Hội nghị diễn ra 2 phiên chuyên đề về: Hoàn thiện pháp luật phục vụ chuyển đổi số quốc gia; Kinh nghiệm quốc tế, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề pháp lý trong chuyển đổi số quốc gia.
Sáng 5/10, tại thành phố Vinh, Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Khoa Luật, Trường Đại học Vinh đồng tổ chức Hội nghị khoa học trẻ với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật phục vụ chuyển đổi số quốc gia - định hướng, tầm nhìn và bài học khảo cứu cho Việt Nam”.
Tham dự có nhiều nhà khoa học, thầy cô giáo, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên là đại diện đến từ các cơ sở đào tạo Luật trên cả nước.
Đây là sự kiện khoa học quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và Ngày pháp luật Việt Nam 9/11; là diễn đàn của các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong lĩnh vực pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Huế), Trưởng Ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị là diễn đàn học thuật dành cho các nhà khoa học trẻ cùng trao đổi, thảo luận về các cơ hội, thách thức mà pháp luật đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, đưa ra được các giải pháp, kiến nghị cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật tại Việt Nam phục vụ quá trình chuyển số quốc gia.
Hội nghị diễn ra 2 phiên chuyên đề về: Hoàn thiện pháp luật phục vụ chuyển đổi số quốc gia; Kinh nghiệm quốc tế, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề pháp lý trong chuyển đổi số quốc gia. Nhiều tham luận được các đại biểu quan tâm như: Phát triển dữ liệu số, Chính phủ số, quản trị số, công nghiệp công nghệ số, kinh tế số… trong các lĩnh vực lao động, môi trường, đất đai, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics. Đặc biệt, các tác giả đã nêu ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới nhằm hoàn thiện pháp luật phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thạc sỹ Bùi Thuận Yến, Khoa Luật Kinh tế, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh đã phân tích xu hướng phát triển của chuyển đổi số đối với hoạt động tố tụng của đương sự trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư. Từ đó làm rõ các bất cập, hạn chế của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề nghiên cứu. Thạc sỹ Bùi Thuận Yến kiến nghị bổ sung khái niệm về “chứng cứ điện tử”...
Nhận diện những khía cạnh pháp lý liên quan đến tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành, Giảng viên Lưu Minh Sang, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng phân tích các vấn đề và thách thức pháp lý như: thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương, tính pháp lý của tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành; cơ chế phát hành, phân phối và giao dịch; vấn đề phòng, chống hành vi phi pháp; thuế và bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng; mục tiêu tài chính toàn diện. Đây là cách tiếp cận pháp lý cho Việt Nam nhằm đảm bảo việc phát hành tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành được hợp pháp, minh bạch, hiệu quả và an toàn cho người tiêu dùng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chất lượng, các trao đổi đầy tâm huyết đến từ các diễn giả, nhà khoa học trẻ góp phần làm rõ định hướng, tầm nhìn, rút ra các bài học khảo cứu cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật phục vụ chuyển đổi số quốc gia./.