Trong bối cảnh các cơ quan báo chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tự chủ tài chính và cạnh tranh với các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo,…
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tự chủ tài chính và cạnh tranh với các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo,… các đơn vị báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý và tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật. Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo bàn về giải pháp phát triển các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội, nhằm nâng cao chất lượng và đẩy mạnh công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, diễn ra ngày 4/10, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông và Phổ biến Kiến thức của Liên hiệp Hội cho biết, hiện Hệ thống các tạp chí thuộc Liên hiệp hội đã và đang phát triển theo hai định hướng chính là khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội. Đây là sự cân bằng cần thiết để vừa đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn, vừa phản ánh các khía cạnh xã hội của khoa học.
Theo Trưởng Ban Thông tin Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên… cùng nhau trao đổi, thảo luận để tìm ra những mô hình hoạt động báo chí phù hợp hơn với thực tế hiện nay; từ đó, đóng góp tích cực vào quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí thời gian tới. Những ý kiến đóng góp có tính thực tiễn từ hội thảo sẽ góp phần phục vụ hiệu quả cho nhu cầu tiếp cận thông tin và tri thức khoa học của xã hội.
Theo Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập, việc thiếu quy trình kiểm soát chất lượng xuất bản được xem là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng một số tạp chí chưa cao. Do đó, các tạp chí cần đầu tư vào đội ngũ biên tập viên vừa có chuyên môn sâu về báo chí vừa có kiến thức về khoa học công nghệ. Cùng với đó, cần cải thiện quy trình kiểm duyệt và ứng dụng công nghệ số để tăng tính minh bạch và chất lượng cho các sản phẩm báo chí.
Chia sẻ thêm về vấn đề ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình mới đề xuất lộ trình ứng dụng AI từ các quy trình đơn giản đến phức tạp, với sự đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác cùng chuyên gia AI. Ứng dụng AI sẽ giúp nâng cao chất lượng nội dung và trải nghiệm người dùng, tuy nhiên cần phải đảm bảo tính minh bạch và đạo đức trong quá trình triển khai.
Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, để các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội phát triển bền vững, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Liên hiệp Hội và các tạp chí thành viên, thiết lập tiêu chuẩn cao hơn về kiểm soát chất lượng và định mức kinh tế - kỹ thuật. Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học cần được phát triển theo hướng chú trọng việc đảm bảo tính liêm chính khoa học và tự do nghiên cứu; có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nội dung, ứng dụng công nghệ và tăng cường hợp tác trong xuất bản./.
- Từ khóa:
- Tạp chí khoa học
- quản lý báo chí
- nguồn thu