Giáo dục

Ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Đà Nẵng

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024 - 2027 khoảng 500 chỉ tiêu; chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với các đối tác. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 21/10, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố tuyển sinh đào tạo và ký kết hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn. Hoạt động nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.

Tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn Huỳnh Công Pháp cho hay, vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo cần phải chuẩn bị kỹ về nguồn lực, thời gian. Do đó, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất từ rất sớm. Năm 2020, trường đã đưa nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn; năm 2021, tiếp tục mở các lĩnh vực gần như: IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý… Năm 2022, đơn vị đã khởi công Lab thiết kế vi mạch. Sau gần 1 năm chuẩn bị với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đối tác, nhà trường mở chương trình đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch.

Dự kiến chương trình gồm 160 tín chỉ với thời gian đào tạo 4,5 năm; trong đó bao gồm khối kiến thức cơ sở ngành - kiến thức nền tảng (gồm: cấu kiện điện tử, kỹ thuật mạch điện tử, thiết kế mạch điện tử, cấu trúc máy tính, kỹ thuật số, toán kỹ thuật...) và khối kiến thức chuyên ngành - thiết kế vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, trường sẽ triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên đang học các ngành gần như: Công nghệ kỹ thuật máy tính, Hệ thống nhúng và IoT, Công nghệ thông tin sang định hướng Thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp.

Nhà trường dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024 - 2027 khoảng 500 chỉ tiêu; chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn. Năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đơn vị sẽ triển khai các lớp Accelerator (tăng tốc), tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60 - 100 chỉ tiêu hàng năm. Năm 2024, trường sẽ mở chương trình đào tạo Thạc sỹ liên quan đến Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, trường xây dựng chính sách hỗ trợ các sinh viên theo học ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn; chủ động hợp tác và kêu gọi các nguồn tài trợ học bổng từ doanh nghiệp; đề xuất các chính sách hỗ trợ từ thành phố Đà Nẵng và các chính sách hỗ trợ liên quan khác.

Dịp này, trường ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn với các đối tác. Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nơi thực tập, thực hành thí nghiệm. Đồng thời, doanh nghiệp tăng cường đặt hàng nhà trường để đào tạo.

Trong khuôn khổ của sự kiện, Workshop Công nghệ vi mạch bán dẫn với chủ đề “Các xu hướng mới của công nghệ vi mạch bán dẫn” sẽ diễn ra./.

PV

Xem thêm