Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, công nhận đạt chuẩn đối với các trường mầm non, trường phổ thông công lập còn nhiều khó khăn, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
TTXVN - Ngày 17/10, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cũng như các cấp, ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Điển hình như: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy cũng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia từ 80 đến 85%.
Để đạt được các mục tiêu trên, HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết về quy hoạch hệ thống giáo dục, mạng lưới trường học và các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan, trong đó đặc biệt là Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. UBND thành phố, các cấp, ngành, địa phương cũng ban hành các kế hoạch, văn bản, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực. Cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn đã có ít nhất 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học, 1 trường Trung học Cơ sở công lập phục vụ nhu cầu học tập của địa phương.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng qua báo cáo của UBND thành phố, khảo sát của thường trực HĐND thành phố và nội dung phiên giải trình có thể thấy việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, công nhận đạt chuẩn đối với các trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu, có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; rà soát, thu hồi quyết định, bằng công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường không giữ được các tiêu chuẩn đã công nhận, xác định tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia một cách khách quan, thực chất; bổ sung chỉ tiêu công nhận lại trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch hàng năm.
Trước đó, tại phiên giải trình, một số đại biểu cùng nêu ý kiến cho rằng, đến nay tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố mới đạt 72,7%, trong khi theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đến năm 2025 sẽ đạt 80-85%. Một số trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn: Một số trường học thuộc khu vực nội thành có sĩ số học sinh/lớp cao, vượt quy định; nhiều trường học thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập. Hàng năm, số lượng trường cần công nhận mới và công nhận lại rất lớn, trong khi việc tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần có các giải pháp để tháo gỡ.
Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, ngành nỗ lực, cố gắng. Theo quy định, năm 2022 phải công nhận mới trên 194 trường chuẩn quốc gia nhưng mới công nhận được trên 145 trường do có nhiều quy định mới. Năm 2023, có 130 trường cần công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đến thời điểm này mới công nhận 16 trường, còn lại các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm. Để đến năm 2025 đạt từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2023-2025, toàn Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết thêm, những năm gần đây, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có chủ trương, chính sách, xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông. Với đặc điểm quy mô trường, lớp, học sinh lớn nhất nước, hàng năm tăng khoảng 50.000-60.000 học sinh tương đương cần thêm 30-40 trường học, đòi hỏi thành phố phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng được trường học cho học sinh. Với chỉ tiêu đến 2025 có 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, nội dung này đã có nhiều kế hoạch triển khai, các quận huyện đã rà soát cho giai đoạn 2023-2025 và đăng ký về tính khả thi, quyết tâm bảo đảm nguồn lực để khả năng đạt chỉ tiêu này là 84%.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 9/2023, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đạt 72,7% (1.632/2.244 trường), trong đó: Mầm non đạt 71,9% (576/801 trường); Tiểu học đạt 68,3% (487/715 trường); Trung học cơ sở đạt 80,1% (488/611 trường); Trung học phổ thông đạt 66,9% (81/121 trường). UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 31/8/2022 về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố phải hoàn thành công nhận mới 552 trường chuẩn quốc gia./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- Trường công lập
- Giải trình