Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, các tỉnh cần liên kết để xây dựng mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh; hình thành liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn, tập trung.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm...Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn khó khăn nhất cả nước; liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của vùng so với bình quân của cả nước tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng.
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc” năm 2024. Hội thảo được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức ngày 9/10.
Hội thảo khoa học là dịp để các đại diện đến từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương thảo luận, trao đổi. Từ đó đề ra các giải pháp thiết thực đối với từng địa phương, góp phần đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống; tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng...
Hội thảo nhận được 16 tham luận của các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Các Sở Khoa học và Công nghệ; các công ty và Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên. Các tham luận tập trung vào giải pháp ứng phó với thiên tai gây mất ổn định tự nhiên vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thực trạng đổi mới công nghệ, thiết bị trong doanh nghiệp vùng và đề xuất giải pháp… Trình bày tham luận ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển nông lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng trung du miền núi phía Bắc, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vừa độc đạo, phong phú, đa dạng. Vì vậy, các địa phương có thể khai thác các hoạt động du lịch về mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tham quan, trực tiếp trải nghiệm các công đoạn sản xuất nông nghiệp; trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan; hoạt động giáo dục trải nghiệm; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm…
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 185 tổ chức khoa học công nghệ. Tổng ngân sách sự nghiệp chi cho hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2010-2020 gần 3.000 tỷ đồng. Trên toàn vùng triển khai 1.500 đề tài/dự án cấp tỉnh; 522 đơn/bằng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận... Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học công nghệ của vùng còn một số hạn chế như: Kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 chưa cao (trừ Thái Nguyên đạt 47,75 là 1 trong 10 địa phương có thứ hạng cao); đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp (2% chi ngân sách), chủ yếu từ nguồn ngân sách...
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lam cho rằng các tỉnh cần xác định các ngành nghề có thế mạnh theo tiểu vùng; lợi thế về nông, lâm nghiệp. Các tỉnh cần liên kết để xây dựng mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh; hình thành liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn, tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; liên kết trong khai thác và sử dụng tài nguyên…
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HATADO (tỉnh Cao Bằng) Ninh Văn Tuyến cho biết, trong những năm qua các sản phẩm của công ty sản xuất và đưa ra thị trường đều được phát triển dựa trên các kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó điển hình là kết quả của hai dự án có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu Hà thủ ô tại huyện Bảo Lạc…/.