Khoa học

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  

Cao Bằng

Sự kiện tạo khí thế và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh và toàn vùng; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, có khả năng liên kết; đưa vùng thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện…

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Giai đoạn 2022 - 2024, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX năm 2024. Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức ngày 10/10.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng phát biểu.
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương. Các đại biểu thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương và toàn vùng giai đoạn 2024-2026. Các đại biểu đề xuất giải pháp cải thiện bộ chỉ số đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học công nghệ đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tặng hoa chúc mừng tỉnh Điện Biên, đơn vị đăng cai hội nghị giao ban lần thứ XX năm 2026.
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương. Cùng với đó là tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho hoạt động và huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Các địa phương chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phục vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho biết, hội nghị là dịp để 14 tỉnh trong vùng đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và từng địa phương; tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự kiện góp phần tạo khí thế và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh và toàn vùng; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, có khả năng liên kết; góp phần đưa vùng thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu.
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ do Trung ương cân đối cho 14 tỉnh trong vùng là trên 869 tỷ đồng; kinh phí được UBND các tỉnh phê duyệt là trên 1.000 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi đầu tư phát triển do UBND các tỉnh chủ động phân bổ cho khoa học công nghệ trên 125 tỷ đồng; kinh phí huy động ngoài ngân sách hơn 590 tỷ đồng. Toàn vùng có 86 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện trên 636 tỷ đồng; các địa phương trong vùng đã triển khai mở mới 494 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Các địa phương trong vùng đã tiếp nhận 3.049 đơn đăng ký bảo hộ; 1.509 văn bằng bảo hộ được cấp; tiến hành hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 882 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ; thẩm định và cấp phép cho 745 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn bức xạ...

Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ của vùng còn một số hạn chế về việc chưa tự cân đối được ngân sách dẫn đến kinh phí dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành còn thiếu và yếu; thị trường khoa học công nghệ còn nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn…/.

 

PV

Tin liên quan

Xem thêm