Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI.
TTXVN - Tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI diễn ra ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề liên quan đến những kết quả đã đạt được, những mô hình tốt, kinh nghiệm hay và kiểm điểm những hạn chế, tồn tại trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng giai đoạn 2019 - 2023.
Theo các đại biểu, để phát triển khoa học và công nghệ trong vùng thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn đến năm 2030 gắn với đặc điểm, lợi thế phát triển khoa học và công nghệ của vùng và từng địa phương.
Các địa phương trong vùng cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khẳng định rõ nét vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong vùng.
Các tỉnh, thành phố cần có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ; chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập tại địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực khoa học và công nghệ. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng; thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII).
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường Đại học trong nội vùng và với các vùng khác trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghê; đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương...
Giai đoạn 2019 - 2023, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tỉnh, thành phố trong vùng đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý nhà nước. Các địa phương đã tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Điển hình là những ứng dụng có hiệu quả như: sản xuất chế phẩm lên men Latic nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò; mô hình nuôi cá hồi vân tại tỉnh Đắk Lắk; cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murash tại Quảng Ngãi; nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định./.