Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu.
TTXVN - Những năm gần đây, việc “bắt nhịp” chuyển đổi số đã và đang mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy, nhận thức, không ngại “làm mới” mình, có sự đầu tư lớn để tạo ra những xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, bộ máy tổ chức nhiều doanh nghiệp được củng cố, hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, thêm điều kiện kết nối, mở rộng thị trường.
• Thay đổi để bứt phá
Là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu thực hiện chuyển đổi số, Công ty Điện lực Tuyên Quang xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu mang tính chất bắt buộc, là đòn bẩy quan trọng giúp đơn vị thực hiện mục tiêu đảm bảo cung cấp điện năng an toàn, liên tục, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của nhân dân
Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã tập trung đầu tư các thiết bị công nghệ mới và tiến hành số hóa tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo đó, đơn vị đẩy mạnh số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng, hợp đồng mua bán điện, dữ liệu thanh toán cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử qua các phần mềm chuyên ngành được kết nối liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; quy trình số hóa các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, kỹ thuật, tài chính kế toán... Đặc biệt, việc chú trọng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác phát triển lưới điện thông minh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong hoạt động của đơn vị.
Cũng theo ông Phạm Văn Quang, để phát triển lưới điện thông minh, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã đưa hệ thống quản lý phân phối điện tự động (SCADA/DMS) của Trung tâm điều khiển xa vào vận hành. Công ty Điện lực Tuyên Quang đã đưa 100% trạm biến áp110 kV sang chế độ không người trực, đồng thời kết nối và điều khiển xa các thiết bị trên lưới điện trung áp; tự động hóa lưới điện trung áp cho các mạch vòng trung áp trên không.Từ trung tâm điều khiển xa có thể theo dõi, giám sát các chế độ vận hành, thực hiện điều khiển đóng/cắt, thay đổi chế độ làm việc các thiết bị tại các trạm biến áp 110 kV và các recloser/LBS (hệ thống máy móc kỹ thuật) trên lưới điện....
Những nỗ lực chuyển đổi số đã giúp đơn vị giảm tối đa nhân lực, chi phí vận hành hệ thống điện, nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành, đưa các dây chuyền hiện đại, tự động hóa phục vụ sản xuất cũng là cách Nhà máy gạch tuynel chất lượng cao Tuyên Quang thuộc Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang lựa chọn để phát triển đơn vị.
Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang sử dụng công nghệ sản xuất gạch tuynel lò đĩa, robot xếp gạch, toàn bộ quy trình sản xuất tự động hóa 100%. Quy trình hút ẩm, sấy, nung và làm nguội khép kín hoạt động liên tục, hệ thống xử lý khí thải hiện đại hạn chế tối đa lượng khí thải.
Nhà máy có công suất khoảng 35 vạn gạch/ngày. Việc ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền hiện đại giúp đơn vị tăng 250% sản lượng sản xuất, tăng 200% công suất bốc xếp gạch, giảm 80% sản phẩm bị đổ vỡ và hư hại so với sử dụng nhân công truyền thống, giảm ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Sản phẩm gạch tuynel chất lượng cao đang được nhiều nhà thầu lựa chọn để xây dựng các công trình lớn trong và ngoài tỉnh.
Để phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường, cùng với phát triển 2 nhà máy tại Tuyên Quang, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy gạch tuynel chất lượng cao tại tỉnh Hà Giang.
• Nhận diện thách thức
Bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội, chuyển đổi số cũng là thách thức mới cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động là một trong những trở ngại đối với việc thực hiện chuyển đổi số. Muốn chuyển đổi số thuận lợi, phải có con người “số”, nhận thức “số”.
Việc thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp và người lao động về chiến lược, tư duy, thói quen kinh doanh từ truyền thống sang tư duy kinh doanh công nghệ số là vấn đề không hề đơn giản. Nhất là ở một địa phương phần đa là doanh nghiệp nhỏ và vừa như Tuyên Quang”.
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Linh, nguồn kinh phí thực hiện chuyển đổi số cũng là điều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập. Theo đó, đầu tư ứng dụng công nghệ số đòi hỏi các khoản đầu tư lớn, đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Đầu tư này bao gồm đầu tư để thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, chất lượng cao... trong khoảng thời gian dài.
Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 2.300 doanh nghiệp. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang được đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn chưa có sự đồng đều, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong cách triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Thập cũng nhấn mạnh, hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Thời gian tới, các doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp cần chấp nhận thay đổi, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn công nghệ, nền tảng số phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. quan tâm bố trí nhân lực chuyển đổi số; chú trọng đến đào tạo nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng số cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo có khả năng làm chủ và khai thác, phát huy hiệu quả công nghệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Khuyến khích, động viên, nhân rộng mô hình doanh nghiệp, HTX đã và đang ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông trong việc kết nối, xúc tiến, quảng bá; chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong ngành công nghệ số; tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tài chính, thông tin nhằm phát triển kỹ năng công nghệ số một cách tối ưu...
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cũng cần tiên phong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực như tài nguyên môi trường, đất đai, bảo hiểm./.