Khoa học

Cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn

Đà Nẵng

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thành động lực tăng trưởng mới.

Khu Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng đang dần được hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

TTXVN - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, kinh tế số của thành phố (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc và gấp 3 lần trung bình toàn quốc); có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp, hiện nay chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên. Đà Nẵng hiện có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPT Semi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư.

Ngày 16/8, UBND thành phố ban hành Kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhận định, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Lãnh đạo thành phố có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. Đà Nẵng có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn như khu Công nghệ cao với diện tích 5 - 100 ha cho nhà đầu tư; không gian 300 ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo; nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cho vay…

Sản xuất máy tính bảng “Made in Đà Nẵng” có tỉ lệ nội địa hóa gần 60% tại nhà máy Trung Nam EMS (khu Công nghệ Thông tin tập trung thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Với những điều kiện có sẵn, chính quyền thành phố có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình: thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh...

Ông Trương Gia Bình cho rằng, Đà Nẵng cần trở thành môi trường thân thiện và thu hút đầu tư bằng cách tối ưu hóa các quy trình quản lý, ưu đãi thuế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển trung tâm về chuỗi cung ứng và kho bãi, trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Việc phát triển công nghệ bán dẫn cần bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

“FPT sẵn sàng đồng hành cùng Đà Nẵng để nâng cao chất lượng nhân sự ngành bán dẫn, bằng cách đưa nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố ra nước ngoài làm việc; xúc tiến hợp tác, kêu gọi các đối tác của FPT trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn về đầu tư tại Đà Nẵng, tạo “bệ phóng” cho nhân sự trẻ của thành phố tham gia vào sản xuất bán dẫn. FPT cam kết góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới”, ông Trương Gia Bình khẳng định.

PV

Xem thêm