Khoa học

Người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế, xã hội

Phú Thọ

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023, tỉnh Phú Thọ phát động chiến dịch “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; hỗ trợ người dân lập tài khoản, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt...

TTXVN - Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023, tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến người dân và doanh nghiệp về vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế, xã hội.

* Đa dạng hoạt động

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh; đề nghị UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông điệp, chủ đề, bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường số và tuyên truyền cổ động trực quan. Sở phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thay ảnh đại diện có kèm khung hình nhận diện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm gian trưng bày các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp viễn thông. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia phù hợp với điều kiện. Trong đó, tập trung phát động chiến dịch “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; hỗ trợ người dân lập tài khoản, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu mua sắm trực tuyến.

Tỉnh Phú Thọ đã phát động Tháng cao điểm mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, các dịch vụ: học phí, viện phí, phí dịch vụ viễn thông, điện, nước, rác thải...Mỗi huyện triển khai ít nhất một mô hình điểm qua hình thức chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với bộ phận một cửa; triển khai các mô hình chợ, tuyến phố kinh doanh không dùng tiền mặt.

Phú Thọ huy động các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp số tham gia vào hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số; tập trung triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường quản lý thông tin thuê bao, kết nối thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

* Tăng thứ bậc xếp hạng

Sau nhiều năm nỗ lực triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả vượt bậc và vươn lên nhóm địa phương dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước.

Theo đánh giá, trong số 63 tỉnh, thành phố, Phú Thọ đã vươn lên xếp thứ 23 về chuyển đổi số cấp tỉnh; thứ 21 về chính quyền số; xếp thứ 13 về kinh tế số (tăng 5 bậc so với năm 2021); xếp thứ 20 (tăng 4 bậc so với năm 2021) về xã hội số và nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước.

 Đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 3205/KH-UBND về việc xây dựng cơ sở dữ liệu số tỉnh Phú Thọ nhằm chỉ đạo tập trung, thống nhất xây dựng các sở dữ liệu theo định hướng của Chính phủ và thực tế phát triển tại địa phương đảm bảo đồng bộ, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo hoàn thành các sở dữ liệu quốc gia quan trọng tạo nền tảng để phát triển chuyển đổi số theo yêu cầu của Chính phủ, phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh khai thác tối đa hiệu quả thông tin mang lại qua việc chia sẻ, cộng tác cùng người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Đến nay, Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số, Nền tảng bản đồ số của tỉnh đang dần hoàn thiện các tính năng, chức năng hệ thống, thực hiện kết nối liên thông, tích hợp, cập nhật dữ liệu các ngành vào kho dữ liệu của tỉnh, tích hợp quy hoạch các ngành, địa phương.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai theo chỉ đạo của các bộ, ngành. Trong đó, cơ sở dữ liệu về dân cư, 100% công dân đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước công dân; cấp 820.653 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 773.675 tài khoản. Cơ sở dữ liệu địa chính đã triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính 129/225 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị. Toàn tỉnh đã nhập liệu 679.978 hồ sơ dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 50,6%. Tất cả cơ sở bán thuốc kết nối liên thông kê đơn thuốc điện tử với phần mềm Quản lý Dược Quốc gia; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 98%...

Tỉnh triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước của tỉnh. Đến nay, 100% hồ sơ được đồng bộ kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức. Tỉnh từng bước triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, trong đó đã cấp 142.000 tem, 20.000 nhãn truy xuất nguồn gốc nông sản và kích hoạt 8.469 tem kiểm định cho các đơn vị tham gia.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đến cấp huyện, xã. Tính đến tháng 7/2023, hệ thống cung cấp 1.988 thủ tục hành chính; thực hiện kết nối liên thông 1.116 thủ tục hành chính của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 69,86%.

Cùng với đó, nhân lực số được tỉnh quan tâm. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin; 13/13 UBND các huyện, thành, thị đã chỉ đạo triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương, thành lập 1.564 tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở. Tỉnh triển khai 7 lớp tập huấn cho 1.185 học viên về chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Phú Thọ luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số; tập trung phát triển hạ tầng kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực nông thôn.

Tỉnh thúc đẩy phát triển internet băng rộng cố định đến hộ gia đình, triển khai các chương trình hỗ trợ giá cước, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân có công cụ giao tiếp với chính quyền trên môi trường số. Cùng với đó, tỉnh phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo kết nối thông suốt 4 cấp từ Trung ương đến xã, sử dụng đồng bộ, tập trung các dịch vụ cung cấp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.../.

PV

Tin liên quan

Xem thêm