Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10: Tận dụng tối đa cơ hội chuyển đổi số để phát triển
Ninh Thuận tiếp tục xác định lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh một cách bền vững.
TTXVN - Xác định chuyển đổi số là một trong các đột phá để phát triển, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện trên ba trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phục vụ hoạt động đời sống của người dân.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh cho biết, việc đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số sẽ góp phần thực hiện nhanh nhất các mục tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. UBND tỉnh đề nghị, mỗi cơ quan, tổ chức tích cực tận dụng tối đa cơ hội chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng cho tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong quý IV/2023, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Ninh Thuận tiếp tục xác định lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh một cách bền vững.
Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, triển khai, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh việc hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tập trung triển khai dịch vụ công thiết yếu...
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng viễn thông, phát triển mạng 5G tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan Nhà nước. Ninh Thuận ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, đảm bảo cho việc kết nối, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử.
Song song với đó, các đơn vị đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân truy cập Cổng thông tin điện tử tỉnh và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tỉnh phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số; đồng thời, đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng và xếp loại cơ quan, đơn vị cuối năm.
Qua đánh giá, hoạt động chuyển đổi số của Ninh Thuận đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022 của tỉnh xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 26 bậc so với năm 2021); trong đó, chỉ số về nhận thức số nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chuyển đổi số cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 9 tháng năm 2023 đạt 19.345 tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2023 (xếp thứ 9 cả nước và thứ 3/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung).
Đến nay, mạng internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn. Đồng thời, địa phương đã triển khai lắp đặt, tích hợp và phát 75 vị trí trạm 5G trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, vùng phủ đạt 98,4% diện tích thành phố. Tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để làm sạch thông tin thuê bao di động và xử lý triệt để tình trạng SIM rác.
Dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đã được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động đạt 100%. Đến nay, địa phương đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 97,95%. Từ ngày 1/1 - 7/9/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 275.423 hồ sơ; trong đó, hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 84,06%. Số hồ sơ đã giải quyết sớm hạn và đúng hạn chiếm 99,3%. Số hồ sơ đã giải quyết trễ hạn chiếm 0,7%.
Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và Điều hành Đô thị thông minh (IOC) được kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để phục vụ cho việc theo dõi, giám sát, tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin chất lượng phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp triển khai xây dựng phần mềm Smart Ninh Thuận để phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 100%; sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử nội địa đạt 91,79%; 93,1% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 72,65% dân số có điện thoại thông minh thực hiện cài đặt và sử dụng các ứng dụng tương tác với chính quyền; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của địa phương còn gặp một số khó khăn như: Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số còn nhiều hạn chế, trung tâm tích hợp dữ liệu chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc, thiếu đồng bộ. Việc số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ đào tạo.../.