Tuyên Quang: Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hệ sinh thái sản phẩm chính quyền điện tử
Tuyên Quang huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống công nghệ thông tin, các nền tảng và cơ sở dữ liệu phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm chính quyền điện tử...
TTXVN - Xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân; xây dựng, ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước - người dân - doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư, nòng cốt là các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của Đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong sử dụng các nền tảng số…
Tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống công nghệ thông tin, các nền tảng và cơ sở dữ liệu phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm chính quyền điện tử; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số trong mọi lĩnh vực; nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai chuyển đổi số như: Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối...
Tỉnh Tuyên Quang chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với cơ chế thu hút, đãi ngộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. Địa phương cũng tổ chức các đoàn công tác thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến quốc tế; tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh, các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu, đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp, sử dụng trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động tăng bình quân từ 7%/năm; 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% học sinh, sinh viên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 1 điện thoại thông minh; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh, gửi, nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số…
Năm 2022, chuyển đổi số của tỉnh Tuyên Quang xếp hạng thứ 48/63 tỉnh, thành phố; tăng 10 bậc so với năm 2021. Nền tảng chính quyền số (Tuyên Quang ID) đã được ra mắt và đưa vào sử dụng; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 50% hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc khi sử dụng; 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền số…
Toàn tỉnh đã kích hoạt thành công 415.511 tài khoản định danh điện tử; có 35 hệ thống thông tin đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ về an toàn an ninh mạng và triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt; triển khai hoạt động giám sát an toàn an ninh thông tin 4 cấp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh (SOC); giải pháp phòng chống mã độc tập trung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.../.