Khoa học

Khai thác hiệu quả dữ liệu số - Bài 1: Nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Năm 2023 đã được xác định là “Năm Dữ liệu số Quốc gia” .

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dữ liệu được xem như một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”. Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu số bởi dữ liệu là nguyên liệu, nhiên liệu, cũng như là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu số là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chung sức xây dựng dữ liệu số

Chuyển đổi số bao gồm 2 phần, phần chuyển đổi và phần số. Chuyển đổi mang tính tổng thể tại mọi cơ quan, tổ chức. Phần số gồm công nghệ số và số liệu. Do vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia phải gắn liền với xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa những mục tiêu rõ ràng về xây dựng dữ liệu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.

Cụ thể, mục tiêu về dữ liệu số đến năm 2025 là 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT); Giảm 30% thủ tục hành chính; Mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp; Tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT Nguyễn Phú Tiến tham dự sự kiện của MISA. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: Kho dữ liệu quốc gia có 2 mảng chính là dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo ra và dữ liệu do người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tạo ra trong quá trình tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong năm 2023 và những năm tiếp tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực chung sức tạo ra dữ liệu và phải tiếp tục phát triển dữ liệu, thúc đẩy liên kết dữ liệu.

Ông Nguyễn Phú Tiến lưu ý, khi phát triển dữ liệu quan trọng nhất là dữ liệu không được trùng lặp. Thứ hai, khi đã tạo ra cơ sở dữ liệu quốc gia thì phải tiếp tục cập nhật, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu. Đặc biệt, phải mở dữ liệu để người dân và doanh nghiệp dựa vào nguồn dữ liệu quốc gia tạo ra những dịch vụ sáng tạo, tạo ra những dịch vụ ứng dụng công nghệ. Khi các cơ quan nhà nước cung cấp nguồn dữ liệu mở, đẩy mạnh việc kết nối, liên thông dữ liệu thì đây sẽ là nguồn tài nguyên, nguồn lực quý giá, vô tận để phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số sinh ra dữ liệu. Dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai và vốn. Càng chuyển đổi số thì càng sinh ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều đất đai trên môi trường số. Khai thác đất đai này bằng công nghệ số thì sinh ra giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng, sự giàu có.

Thúc đẩy liên thông, kết nối dữ liệu

Trong xu thế chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh ở mọi lĩnh vực, cơ sở dữ liệu quốc gia (dữ liệu lớn – Big data) trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhấn mạnh cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số Việt Nam, tại Diễn đàn quốc gia về Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cần thúc đẩy liên thông dữ liệu, chia sẻ cao để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Các đại biệu tham quan triển lãm trong Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Thời gian qua, ưng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên kho dữ liệu lớn (Big Data) đã tạo đột phá mọi lĩnh vực của đời sống như ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục nông nghiệp, môi trường đến truyền thông, giải trí… Đáp ứng nhu cầu của mọi hoạt động chuyển đổi số trong xã hội, các tập đoàn công nghệ lớn trong cả nước đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trọng tâm cho các khối chính phủ, tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân để góp phần thúc đẩy chuyển đối số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dữ liệu lớn mới chủ yếu được ứng dụng mạnh tại một số doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng lớn. Tình trạng dữ liệu bị cát cứ, không được chia sẻ hiện đang là rào cản để các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng dữ liệu.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu, các đơn vị, địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực chuyên gia, tổ chức xã hội để thực hiện mục tiêu, tận dụng và phát huy vai trò của Khung kiến trúc Chính quyền điện tử để giải quyết bài toàn tổng thể về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Khó khăn với nhiều địa phương khi xây dựng cơ sở dữ liệu là hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và hướng dẫn kỹ thuật từ trung ương chưa đầy đủ; Quy trình, thủ tục đầu tư chậm và nhiều khó khăn khi thí điểm công nghệ mới; Đồng thời sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị, địa phương cũng là rào cản lớn.

Tình trạng “cát cứ” dữ liệu đang là nút thắt trong xây dựng và khai thác dữ liệu. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dữ liệu làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy định pháp lý là những hành lang cơ bản thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số Quốc gia Nguyễn Phú Tiến cho biết, để giải quyết vấn đề chia sẻ dữ liệu, trên quy mô quốc gia cần xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử. Ở phía dưới, mỗi bộ, tỉnh, thành phố cần xây dựng nền tảng và trung tâm kết nối chia sẻ dữ liệu.

Người dân tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hiện tại, các bộ, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NDXP) do các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin triển khai, quản lý. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2023, 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở. Trên Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn có hơn 10.000 tập dữ liệu để các đơn vị chia sẻ và khai thác.

Để khai thác dữ liệu hiệu quả, cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin. Là nguồn tài nguyên quan trọng trong thời đại công nghệ, việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi, tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia./.

(Bài 2: Tạo đột phá trong chuyển đổi số quốc gia)

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm