Giáo dục

Phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 không biến động lớn, phân hóa tốt

Sự phân hóa điểm số trong kỳ thi năm nay là cơ sở tốt để các trường đại học xét tuyển hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: TTXVN phát

Chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.

* Kỳ thi đạt được 3 mục tiêu lớn

Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 cho biết: Đây là lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị công bố phổ điểm do năm nay là kỳ thi đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Vì vậy, phổ điểm thi được sự quan tâm đặc biệt của các thí sinh, phụ huynh và các nhà trường. Việc phân tích phổ điểm được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia độc lập, từ cơ sở phân tích dữ liệu điểm thi, trên tinh thần khách quan, bám sát mục tiêu kỳ thi và mục tiêu đổi mới. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 để xã hội nắm bắt đầy đủ, toàn diện về kỳ thi cũng như quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo Thứ trưởng, kỳ thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được đầy đủ 3 mục tiêu lớn: xét công nhận tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy học phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thành công của kỳ thi năm nay đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Chúng ta không chỉ chuyển cách thi mà còn thay đổi tư duy dạy – học, từ học thuộc sang phát triển phẩm chất, năng lực thật sự cho học sinh.

Một điểm nhấn nổi bật của kỳ thi là việc tổ chức thi theo định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội để học sinh phát huy năng lực cá nhân. Các em được tự chọn môn thi theo sở trường kể cả khi có những môn tại một số tỉnh chỉ có duy nhất một thí sinh đăng ký, ngành Giáo dục vẫn đảm bảo tổ chức thi đầy đủ, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Đáng chú ý, lần đầu tiên học sinh chọn thi các môn như Tin học, Công nghệ Công nghiệp, cho thấy sự thay đổi tư duy lựa chọn môn thi theo năng lực và định hướng nghề nghiệp. Một số tỉnh miền núi có học sinh chọn thi tiếng Anh, kết quả xếp top 3 toàn quốc về điểm trung bình, là minh chứng cho tinh thần đổi mới toàn diện và hiệu quả.

Về phổ điểm, điểm trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn và phân hóa điểm số cho thấy kỳ thi có độ tin cậy cao. Kết quả này không gây “sốc”, mà phản ánh đúng năng lực học sinh và chất lượng giáo dục từng địa phương. Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 đạt 99,21%, gần tương đương với năm 2024 (99,24%). Điểm đáng chú ý là kỳ thi năm nay đã giảm áp lực cho học sinh khi điểm thi chỉ chiếm 50% trong số xét tốt nghiệp, phần còn lại được tính từ quá trình học tập lớp 12. Đây là bước điều chỉnh quan trọng nhằm công nhận đúng năng lực học sinh, tránh lệ thuộc tuyệt đối vào điểm số kỳ thi.

Cũng theo Thứ trưởng, năm nay, lần đầu Bộ áp dụng phương pháp hiệu chỉnh điểm theo T-score, một công cụ khoa học để chuẩn hóa dữ liệu, giúp đánh giá khách quan hơn kết quả học tập. Cách làm này được các chuyên gia đánh giá cao và mở ra hướng tiếp cận mới trong phân tích, điều hành giáo dục.

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc phân tích về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.
Ảnh: TTXVN phát

* Phổ điểm có độ phân hóa tốt

Phân tích phổ điểm kỳ thi, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, kỳ thi năm nay đã đạt được những chuyển biến tích cực, từ khâu tổ chức đến chất lượng đề thi và sự phân hóa giữa các vùng miền. Nhiều tỉnh trước đây có điểm thi thấp như An Giang, Tây Ninh hay Đắk Lắk đã vươn lên xếp trong nhóm 14 tỉnh có kết quả tốt nhất cả nước. Những địa phương từng khó khăn, nay lại có tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi cao. Điều này cho thấy kỳ thi năm nay có tính đại diện và công bằng rõ rệt hơn.

Đặc biệt, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc nhấn mạnh sự thay đổi lớn trong cấu trúc đề thi, nhất là môn Toán. Trước đây, đề trắc nghiệm hoàn toàn khiến thí sinh có thể “đánh bừa” mà vẫn được điểm. Nhưng năm nay, đề thi đã có phần yêu cầu tư duy, ứng dụng, không thể làm bài nếu không có kiến thức và kỹ năng suy luận. Đề thi cũng có sự cải tiến trong môn Lịch sử và Ngữ văn, hai môn thường được cho là “gây khó” cho học sinh. Việc cân đối giữa kiến thức nền và khả năng vận dụng đã được thể hiện rõ rệt.

Theo Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, sự phân hóa điểm số trong kỳ thi năm nay là cơ sở tốt để các trường đại học xét tuyển hiệu quả. Không còn hiện tượng 10.000 thí sinh đạt điểm 10 như những năm trước. Các trường có thể yên tâm sử dụng phổ điểm này để lựa chọn đúng đối tượng. Bên cạnh đó, dù tỷ lệ tốt nghiệp vẫn ở mức trên 90%, nhưng phổ điểm phản ánh được sự phân tầng rõ ràng trong học lực học sinh, nhất là ở các môn như Toán, Lịch sử và Ngữ văn. Kết quả kỳ thi là tín hiệu tốt về hiệu quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng những gì đạt được đã cho thấy hướng đi cải cách là đúng đắn.

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Quang đánh giá cao tính phân loại trong điểm thi.
Ảnh: TTXVN phát

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục nhận định: Phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 được biểu thị trên cơ sở dữ liệu đã khẳng định mức độ đạt yêu cầu, đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được phân loại và được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy. Phân loại là quá trình nhận diện và phân bố người học vào các nhóm có trình độ tương ứng; từ đó định hướng đào tạo, phân bổ nguồn lực và xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa. Kỳ thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, do vậy phân loại là bắt buộc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, cần chấm dứt tư duy điểm số tuyệt đối vốn đang ngày càng lỗi thời trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục. Một điểm số chỉ thực sự có giá trị trong bối cảnh, con người cụ thể với mặt bằng học lực ra sao. Điểm cao của học sinh chuyên với học sinh lớp đại trà nếu thiếu yếu tố bối cảnh môi trường sẽ chỉ báo không chuẩn. Đặc điểm vùng miền với điều kiện học tập rất khác nhau cũng là yếu tố cần nhìn nhận rộng hơn vấn đề đang được gọi là “chuẩn”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế sâu rộng, cả xã hội và các nhà chuyên môn không nên bàn về đề thi “dễ hay khó” mà hãy cùng nhau đo lường và phân loại đúng năng lực người học, từ phía gia đình, xã hội và trường học làm trụ cột.

Nói về tác động trở lại của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với cách dạy, cách học, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang đánh giá cao việc đổi mới cách ra đề môn Ngữ Văn. Đề ra đúng hướng phát triển hình thành năng lực khi học liệu trong sách giáo khoa là vật liệu để kiến tạo ý tưởng giáo dục. Việc huy động kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lí, chính trị, hơi thở của cuộc sống… kích hoạt cảm hứng cho học sinh trong quá trình thi, quá trình dạy học./.


Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm