Chuyển đổi số tại An Giang đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công khai và minh bạch.
Ngày 15/10, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo chuyển đổi số năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, tỉnh xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, động lực phát triển, tạo ra giá trị mới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chuyển đổi tại An Giang bước đầu có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Lê Văn Phước, chuyển đổi số trên địa bàn giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công khai và minh bạch; đồng thời, cải thiện chất lượng dịch vụ công cung cấp bởi các cơ quan quản lý. Người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin qua internet như: tra cứu thông tin, học tập trực tuyến, theo dõi tin tức và chia sẻ kiến thức một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Năm 2024, An Giang xác định bứt phá cùng chuyển đổi số với trọng tâm là: Số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi. Tỉnh tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn một cách toàn diện với 3 trụ cột: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh An Giang đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Tỉnh có 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; tổng số dịch vụ công trực tuyến gần 1.920 dịch vụ, trong đó 697 dịch vụ công trực tuyến một phần, 900 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 77,7% và tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 65,44%.
Toàn tỉnh duy trì hoạt động của 1.035 tổ chuyển đổi số cộng đồng với gần 8.000 thành viên. Đến đầu tháng 10/2024, tổ chuyển đổi số cộng đồng đã tổ chức hướng dẫn nhân dân toàn tỉnh kích hoạt thành công gần 1,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2.
Hiện internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Nhiều địa phương, bệnh viện, trường học áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Trong 9 tháng năm 2024, chuyển đổi số của An Giang tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố và xếp loại “Tốt”; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp toàn trình đạt 100%…
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi số của tỉnh An Giang vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở một số đơn vị chưa đồng đều; nguồn lực cho chuyển đổi số còn hạn chế. Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và các vấn đề về an toàn thông tin cũng đang tạo ra nhiều khó khăn, thách thức.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, theo các chuyên gia công nghệ, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp chính quyền nâng cao tính minh bạch, tạo thuận lợi cho sự giám sát của công dân, tăng sự thấu hiểu, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước các cấp. Các chuyên gia khuyến khích các doanh nghiệp tại An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp tự động hóa, cải thiện quy trình sản xuất, làm việc mà còn giúp quản lý, quản trị hiệu quả hơn.
Dịp này, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia triển lãm, trưng bày các sản phẩm, giải pháp, mô hình ứng dụng liên quan đến chuyển đổi số, dữ liệu số, hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo (AI)…/.
- Từ khóa:
- An Giang
- chuyển đổi số
- phát triển
- thuận tiện