Triển lãm trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của năm họa sĩ gồm: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Trần Cường (Kuolg Trần) và Phạm Khải.
Triển lãm “Ngày rộng” lần thứ 4 mở cửa đón khách tham quan từ 24-30/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).
Triển lãm trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của năm họa sĩ gồm: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Trần Cường (Kuolg Trần) và Phạm Khải.
Họa sĩ Nguyễn Lê Anh, đại diện nhóm họa sĩ chia sẻ, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm truyền tải thông điệp về vẻ đẹp và tình yêu cuộc sống, thông qua ngôn ngữ của màu sắc, của hình họa. Các tác phẩm vừa là ký ức, vừa là thực tại. Mỗi bức tranh có một câu chuyện riêng, cũng có thể là một ấn tượng, một khoảnh khắc, một sự rung động nhất thời, khiến người họa sĩ khao khát được đặt bút vẽ lại.
Theo đó, "Ngày rộng" - có thể là một dịp để ta dành thời gian trọn vẹn cho từng khoảnh khắc hiện tại; yêu thương gia đình và bạn bè, đồng thời trân trọng vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Đó là ngày ta cho phép mình thư giãn và cảm nhận sự bình yên. Một ngày để ngắm nhìn bầu trời, núi non, gặp gỡ những người lạ và khám phá những vùng đất mới. Một ngày mà ta thấy yêu thương hơn những người, những vật và những khung cảnh đã gắn bó với mình từ lâu; ta cũng sẵn lòng tha thứ cho người khác và cho chính bản thân mình.
Mỗi họa sĩ trong nhóm đều mang một phong cách riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho triển lãm. Kiên định với phong cách biểu hiện trừu tượng, để kiếm tìm những điều ẩn sâu bên trong vẻ bề mặt, cũng như cảm xúc sâu kín của nội tâm, họa sĩ Phùng Văn Tuệ đã làm nên sự độc đáo của riêng mình, bằng cách sử dụng những khối màu mạnh mẽ, những hình ảnh trừu tượng… ông đã tạo ra những tác phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn kích thích tư duy, khơi gợi sự tò mò và cảm nhận của người xem. Các tác phẩm của ông khắc họa những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống mình qua những gam màu mạnh mẽ như đỏ, đen, xanh lá và xanh dương. Bề mặt tranh được họa sĩ phủ nhiều lớp màu để tạo chiều sâu cho không gian…
Trong khi đó, tranh của hoạ sĩ Nguyễn Lê Anh lại là những mảnh ký ức trong cõi lòng anh. Cảm nhận này đến từ những đường nét mềm mại, không phụ thuộc nhiều vào hình khối, không còn diễn tả ánh sáng thực, với nhiều liên hệ tới hội họa phương Đông. Nhưng nếu như thử bỏ qua sự quan tâm đến bố cục thì người xem sẽ vẫn bắt gặp một hiện thực đầy sinh động, quyến rũ và chân thực. Điều này cho thấy khả năng tái hiện và tái tạo kí ức của hoạ sĩ. Nguyễn Lê Anh khắc họa cảnh vật và con người đời thường qua lăng kính của những cái đã qua. Điều này giúp hoạ sĩ lưu giữ lại được sự rung cảm chân thực, bởi những khoảnh khắc chớp sáng lay động nhất.
Thế giới của Nguyễn Quang Hoan là những sắc hoa rực rỡ trong cái nhìn xa vời, những triền núi cao vời sắc nhọn mà thật mềm mại trong nét vẽ giàu cảm xúc, những cánh đồng bát ngát vàng rực trong ráng chiều. Ngắm tranh Nguyễn Quang Hoan, người xem cảm nhận sự tinh tế bởi hòa sắc nhẹ nhàng, anh sử dụng những gam màu trung tính kết hợp những gam màu mạnh tạo điểm nhấn cho bức tranh. Về tạo hình, hoạ sĩ chọn lối tối giản nhưng vẫn nổi bật và tôn vinh được nét đặc trưng của cảnh vật. Điểm nổi bật khác mà Nguyễn Quang Hoan luôn thành công trong tác phẩm của mình, đó là gợi được bầu không khí cho người thưởng thức.
Họa sĩ Trần Cường - còn gọi là Kuolg Trần, thể hiện một phong cách tươi mới và mạnh mẽ trong nghệ thuật của mình. Tranh của anh gần gũi với chủ nghĩa biểu hiện, nhưng cũng mang hơi hướng của chủ nghĩa tượng trưng. Mỗi tác phẩm truyền tải những cảm xúc về tình yêu, nỗi nhớ quê hương và hình bóng của một nàng thơ luôn hiện hữu. Những yếu tố này tạo nên sự nhất quán và ấn tượng đặc biệt cho triển lãm của anh. Các nét vẽ tự phát và vô thức, bắt nguồn từ nội tâm, làm nổi bật quá trình tìm kiếm bản ngã của người nghệ sĩ. Với màu sắc rực rỡ và hình thể có ý đồ (nhân vật thể hiện bản ngã thường được vẽ bằng màu sắc đậm và đường nét mạnh mẽ, với nhiều hình thù và khuôn mặt ở các góc độ khác nhau), trái ngược với hình ảnh đó là những cô gái với dáng vẻ mềm mại.
Phạm Khải - người họa sĩ trẻ nhất trong nhóm đã khắc họa dáng hình của những cây cầu, những triền đồi xanh thẳm và cả khung cảnh ngày kháng chiến tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người xem thường thấy trong tác phẩm của anh những bức tranh mang màu xanh đặc trưng của núi rừng, mặt nước hay có thể cũng là màu xanh của kí ức, của thời gian. Có thể nhận ra rằng, cảm xúc, ý tưởng của người vẽ gửi gắm trong những hình ảnh tái hiện một thời đã qua, đã bị thay đổi với dòng chảy của thời đại mới.
Triển lãm "Ngày rộng" lần thứ 4 như một hành trình khám phá tâm hồn của các nghệ sĩ. Công chúng không chỉ được đắm mình trong không gian nghệ thuật đa dạng, từ những bức tranh trừu tượng đầy chất thơ đến những tác phẩm hiện thực chân thực, sống động, mà còn được khám thế giới nội tâm đầy thú vị và màu sắc của những người họa sĩ.
Triển lãm còn như một lời mời gọi chúng ta sống chậm lại, để chiêm nghiệm về con người và cuộc sống. Qua những tác phẩm nghệ thuật, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi về bản thân, về cuộc đời và về thế giới xung quanh. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho những ai yêu nghệ thuật và mong muốn tìm thấy cảm giác bình yên trong tâm hồn./.