Đông Kinh Cổ Nhạc là cái tên đã không còn xa lạ đối với những người yêu mến âm nhạc cổ truyền dân tộc. Được thành lập vào năm 2014 bởi “đầu tàu” Đàm Quang Minh...
Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” số tháng 10 năm 2024 với chủ đề “Võ Đức Trường Ca - Hành khúc nhạc ta Di sản cổ truyền - cách mạng” được biểu diễn bởi nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc, là chương trình đầu tiên thử sức với việc kết hợp nhạc cổ kinh kỳ và nhạc cách mạng. Sự kết hợp này đã mang đến cho công chúng một “bữa tiệc” âm nhạc ấn tượng với sự hòa quyện đầy sáng tạo giữa cổ và kim. Buổi biểu diễn thu hút đông đảo khán giả, trong đó bao gồm cả những người trẻ tuổi và du khách nước ngoài.
Trao đổi về sự kết hợp này, ông Đàm Quang Minh, một trong những người sáng lập của Đông Kinh Cổ Nhạc đã chia sẻ, những người làm chương trình muốn kết hợp giữa cái thành kính của ngàn xưa của nhạc cổ với sự hào hùng của nhạc cách mạng, để tạo thành dòng chảy của văn hóa Việt thông qua âm thanh và nhạc điệu…
Theo ông Đàm Quang Minh, trong 10 năm hoạt động, Đông Kinh Cổ Nhạc đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng và cộng đồng người yêu nghệ thuật. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhóm đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống, giúp những giá trị văn hóa quý báu không bị mai một theo thời gian. Nhóm không chỉ làm sống lại những giai điệu xưa cũ, còn mang đến cho chúng một diện mạo mới, gần gũi và hấp dẫn hơn với khán giả hiện đại.
Đông Kinh Cổ Nhạc là cái tên đã không còn xa lạ đối với những người yêu mến âm nhạc cổ truyền dân tộc. Được thành lập vào năm 2014 bởi “đầu tàu” Đàm Quang Minh, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, người yêu âm nhạc, trong đó phải kể đến Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, hay cố nghệ sĩ Vũ Nhật Tân. Tính đến nay, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã có sự góp mặt của các nghệ sĩ gạo cội, đầu ngành trong các lĩnh vực Chèo, Tuồng, Xẩm, Ca trù, Chầu Văn,… gồm các Nghệ sĩ Nhân dân: Xuân Hoạch, Thanh Hoài, Minh Gái, Mẫn Thu; các Nghệ sĩ Ưu tú: Thanh Bình, Thúy Ngần, Vũ Ngọc, Công Hưng, Mạnh Phóng, Xuân Diệu, nghệ nhân Trọng Quỳnh, nghệ sĩ Thanh Hà…
Ông Đàm Quang Minh cho biết, mục đích thành lập của nhóm là để giữ gìn di sản văn hóa âm nhạc cổ truyền dân tộc, đồng thời lan truyền tình yêu đối với nhạc cổ Việt Nam đến các thế hệ sau. Từ năm 2015, nhóm bắt đầu tổ chức các buổi biểu diễn định kỳ mỗi tháng tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (Số 50 Đào Duy Từ), với mong muốn mang âm nhạc cổ truyền đến gần hơn với khán giả.
Những buổi biểu diễn của Đông Kinh Cổ Nhạc không chỉ đơn thuần là những buổi trình diễn âm nhạc, còn là những dịp để khán giả cảm nhận, hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc. Nhóm tập trung vào việc phục dựng các thể loại âm nhạc cổ, như: nhạc kinh kỳ, ca trù, chầu văn... và thể hiện chúng một cách chân thực, sống động. Với sự giúp đỡ thiết kế, xây dựng không gian âm nhạc cổ truyền từ các nghệ sĩ trong và ngoài nước, cùng với sự ủng hộ của ban quản lý Phố cổ, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã đem đến cho khán giả những thanh âm mộc mạc, chân thực nhất, không qua bất kỳ một hình thức khuếch âm hay lọc âm nào.
Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” - một trong những chương trình được biết đến rộng rãi nhất của nhóm được tổ chức hàng tháng suốt 10 năm nay, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. Đây trở thành địa điểm đến yêu thích của những người yêu mến nhạc cổ truyền, hay những người tò mò muốn tìm hiểu thêm về nét văn hóa cổ xưa của dân tộc. Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” được những người yêu nghệ thuật ví là một “đặc sản” nên thử khi đặt chân đến đất Hà thành.
Không dừng lại ở việc trình diễn, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc còn luôn luôn sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm trong việc kết hợp âm nhạc dân gian với nhiều hình thức nghệ thuật đương đại. Sự kết hợp này không chỉ mang tới “làn gió mới” cho những giai điệu truyền thống, còn giúp di sản âm nhạc dân tộc tiếp cận gần hơn tới khán giả trẻ. Tính đến nay, nhóm đã thực hiện nhiều dự án diễn xướng thơ ca, bao gồm cả thơ Việt và thơ thế giới, tạo nên những buổi diễn đầy độc đáo về hình thức và phong phú về nội dung.
Năm 2015, Đông Kinh Cổ Nhạc đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt với đêm thơ nhạc "Xẩm ngọng – Lời ru – Tre xanh", nơi những làn điệu dân gian mộc mạc như chèo, xẩm, chầu văn hòa quyện tinh tế với thơ ca hiện đại của Nguyễn Duy. Tiếp nối thành công đó, năm 2017, âm nhạc truyền thống Việt Nam được khoác lên mình chiếc áo mới khi hòa quyện cùng thi ca Đức qua hai chương trình "Biến tấu thùng nước mưa" (thơ Jan Wagner) và "Trữ tình, lãng mạn và cổ truyền" (thơ Henric Heiner). Thậm chí, nhóm còn táo bạo hơn khi đưa ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào không gian âm nhạc cung đình Huế qua chương trình "Vọng cố đô", tạo nên một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị giữa những âm điệu… Chính sự dũng cảm trong sáng tạo đã giúp Đông Kinh Cổ Nhạc tạo nên một làn sóng mới trong làng nhạc cổ truyền Việt Nam.
Bên cạnh những đêm diễn, các thành viên của Đông Kinh Cổ Nhạc thường xuyên dành thời gian để trau dồi kỹ năng, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê trong những buổi tập luyện. Tiếng đàn, tiếng hát không chỉ là âm nhạc, còn là sợi dây kết nối, đưa những tâm hồn yêu nghệ thuật đến gần với nhau hơn. Sau mỗi buổi biểu diễn, không ít người đã tìm đến nhóm, bày tỏ mong muốn được theo học loại hình âm nhạc dân tộc này. Với tấm lòng trân trọng những hạt giống nghệ thuật, những lớp học truyền dạy hát xẩm, ca trù, đàn bầu, đàn nguyệt, nhị... đã ra đời.
Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Đông Kinh Cổ Nhạc đã biến những “đứa con tinh thần” của mình trở thành một thú vui không thể thiếu của cộng đồng yêu nghệ thuật và say mê với di sản âm nhạc dân tộc mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Nội. Ông Đàm Quang Minh bộc bạch, việc lắng nghe và tiếp nhận của khán giả chính là động lực to lớn đối với Đông Kinh Cổ Nhạc, nhóm sẽ duy trì hoạt động để tiếp tục là điểm đến giao lưu, tìm hiểu và học hỏi về tinh hoa âm nhạc cổ truyền Việt Nam./.