Việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND thành phố, đã giúp cho hoạt động du lịch Hà Nội phục hồi, phát triển nhanh chóng.
Theo Kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Sở Du lịch Hà Nội năm 2024, Sở tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội; duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu ngành của Sở Du lịch; duy trì, cập nhật dữ liệu phần mềm cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở cũng tiếp tục triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch Thủ đô gồm: cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn; khách du lịch, hành vi khách hàng; bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ mua sắm; dịch vụ ăn uống; dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn; doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe - y tế; hướng dẫn viên, thuyết minh viên; văn phòng đại diện nước ngoài; phương tiện vận chuyển khách du lịch: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Cùng đó, Sở hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng), thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại các quận, huyện Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất), sau đó đánh giá và triển khai nhân rộng trên toàn thành phố.
Sở Du lịch cũng hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch tại Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh.
Những tháng cuối năm, ngành Du lịch Thủ đô đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở bán nhiều chương trình du lịch Tết Ất Tỵ 2025 với đa dạng sự lựa chọn, mức giá khuyến mãi tốt nhất thông qua việc khuyến khích đăng ký sớm, tạo sức hút khách đặt tour, tăng sức mua tour du lịch dịp nghỉ lễ dài ngày cuối năm. Đồng thời, Hà Nội xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng, nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút du khách.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các kế hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND thành phố, đã giúp cho hoạt động du lịch Hà Nội phục hồi, phát triển nhanh chóng sau COVID-19. Trong năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự tăng trưởng và phát triển toàn diện, đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm quan, trải nghiệm tại Hà Nội ngày càng tăng; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển được triển khai đồng bộ, thống nhất giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- chuyển đổi số
- du lịch