Chuyển đổi số báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nhận thức, nguồn lực cho chuyển đổi số, vấn đề làm chủ công nghệ, kỹ năng nghiệp vụ...
Chiều 16/8, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên phối hợp Báo Hưng Yên tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số - những vấn đề đặt ra đối với báo chí hiện nay", với sự tham gia của các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Hưng Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên Lê Công Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số cũng như chuyển đổi số lĩnh vực báo chí đã giúp các cơ quan báo chí phát triển ngày càng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, sản xuất tác phẩm chất lượng, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền của Đảng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nhận thức, nguồn lực cho chuyển đổi số, vấn đề làm chủ công nghệ, kỹ năng nghiệp vụ và khả năng áp dụng công nghệ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trên môi trường số...
Theo ông Lê Công Tuấn, Hội thảo là cơ hội để các cơ quan báo chí địa phương cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, giải pháp, từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong báo chí, xây dựng cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho bạn đọc, đáp ứng yêu cầu của độc giả, khán thính giả.
Tại Hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận nội dung liên quan đến ưu điểm, thách thức và cơ hội của báo chí trong chuyển đổi số; sự tăng trưởng của báo chí trực tuyến; ứng dụng công nghệ AI, Blockchain, VR/AR; bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư; chính sách, pháp luật trong báo chí số; sản xuất báo chí đa nền tảng; phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; quản lý vận hành, sản xuất nội dung; triển khai ứng dụng trực tuyến...
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí không chỉ là số hóa một số nội dung đưa lên Internet mà là quá trình áp dụng công nghệ số và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số để thay đổi, cải tiến, tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan báo chí. Quá trình này bao gồm việc chuyển đổi từ hình thức truyền thông truyền thống sang các phiên bản số của báo chí cũng như phát triển dịch vụ, nền tảng trực tuyến để cung cấp thông tin, tương tác với công chúng.
"Chuyển đổi số trong báo chí còn là chuyển đổi toàn diện về nhận thức, mô hình quản lý, mô hình sản xuất phân phối, kinh doanh các sản phẩm báo chí dựa trên số hóa tài nguyên, số hóa quy trình, ứng dụng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để xây dựng cộng đồng công chúng số và khai thác tiềm năng kinh tế số", ông Nguyễn Bảo Lâm cho hay.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương, Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ, chuyển đổi số ở các báo địa phương đang gặp phải một số khó khăn và thách thức, nhất là về nguồn nhân lực. Đơn cử, chuyển đổi số báo chí gắn liền với đội ngũ làm công nghệ thông tin (IT). Trên thực tế ở báo Đảng địa phương như Báo Hải Dương việc tuyển dụng nhân sự làm IT gặp khó khăn, hầu hết người giỏi công nghệ không muốn về địa phương, trong khi đó người vừa giỏi công nghệ lại vừa biết làm báo không nhiều. Do vậy, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần thay đổi tư duy, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu về chuyển đổi số; tích cực tham gia Hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, học hỏi kinh nghiệm từ những tờ báo lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, trong sự cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, báo chí không thể cưỡng lại xu thế chuyển đổi số và cần có những thay đổi để thích ứng xu hướng hiện đại như AI. Do vậy, các cơ quan báo chí cần chú trọng phát triển độc giả trẻ; coi trọng các nền tảng mới bên cạnh nền tảng truyền thống; bám sát xu hướng và lan tỏa trên mạng xã hội nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của độc giả./.
- Từ khóa:
- chuyển đổi số
- báo chí
- Hưng Yên
- khó khăn
- thách thức