Từ bài học kinh nghiệm của Ấn Độ về việc xây dựng chiến lược đa chiều, Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng các mô hình chiến lược linh hoạt của Ấn Độ trong việc thiết lập quan hệ đối ngoại với các khu vực
Ngày 15/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Nam Phi (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á" nhằm đánh giá những chính sách của Ấn Độ tại khu vực Tây Á cũng như các xu hướng và triển vọng trong tương lai của khu vực này; từ đó, gợi ý chính sách và bài học cho Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành về quan hệ quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích toàn diện chiến lược của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á, đặc biệt là vai trò của Ấn Độ trong các lĩnh vực như kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, các mối quan hệ cộng đồng. Từ đó, có những đánh giá về quan hệ giữa Ấn Độ và khu vực Tây Á trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi kinh tế. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị Việt Nam xem xét tác động của các chính sách Ấn Độ đối với khu vực này, từ đó rút ra những bài học và chiến lược phù hợp để áp dụng cho quá trình phát triển quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Chung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Tây Á và các khu vực khác là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Chiến lược này không chỉ dựa trên các kết nối lịch sử, văn hóa, thương mại mà còn hướng tới các mục tiêu chiến lược toàn cầu. Ấn Độ đang triển khai mạnh mẽ cả chính sách "Hành động hướng Đông" và "Kết nối phía Tây", với trọng tâm là khu vực Tây Á, nhằm tăng cường phát triển kinh tế và mở rộng quan hệ.
Ấn Độ cũng tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước khu vực Tây Á và Nam Bán cầu, củng cố quan hệ láng giềng và đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, nỗ lực tạo ra sự đồng thuận quốc tế, trở thành một cường quốc toàn cầu thông qua việc phát triển các trung tâm văn hóa, thúc đẩy Yoga và y học truyền thống, tiên phong trong các liên minh quốc tế.
Từ góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Chung cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi từ chiến lược cân bằng và toàn diện của Ấn Độ trong việc thiết lập quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Việc mở rộng và củng cố quan hệ láng giềng, đồng thời tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Qua các phiên thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về cơ hội và thách thức mà quan hệ Ấn Độ - Tây Á mang lại cho các quốc gia trong khu vực, đồng thời nêu bật những bài học mà Việt Nam có thể rút ra. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các chiến lược và chính sách đối ngoại theo hướng linh hoạt và nhạy bén là điều cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các đại biểu nhất trí đánh giá, từ bài học kinh nghiệm của Ấn Độ về việc xây dựng chiến lược đa chiều, Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng các mô hình chiến lược linh hoạt của Ấn Độ trong việc thiết lập quan hệ đối ngoại với các khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Tây Á. Bên cạnh đó, Việt Nam nên xem xét phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia Tây Á, không chỉ dựa trên thương mại mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như năng lượng và công nghệ. Ngoài ra, Việt Nam có thể định hình một chính sách đối ngoại độc lập, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước./.
- Từ khóa:
- Ấn Độ
- khu vực Tây Á