Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp, lắp đúng cách có thể giúp giảm 60% số ca tử vong ở trẻ em.
TTXVN - Sáng 26/9, Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng phối hợp với Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á tổ chức cuộc họp chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô”.
Khoảng trống pháp luật
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm, thị trường ô tô của Việt Nam tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới. Cả nước hiện có trên 1.800km đường cao tốc, nhiều đoạn ô tô được phép chạy 120km/giờ, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp, có tốc độ 80 - 90km/giờ. Đây là những dấu hiệu rất tốt về mặt kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nổi lên một số vấn đề khi phân tích dấu hiệu về an toàn. Người trưởng thành, khi đi xe ô tô có dây an toàn, nhưng đối với trẻ em, qua nhiều nghiên cứu và thực nghiệm khoa học cho thấy, dây an toàn cho người trưởng thành chưa phát huy tác dụng với trẻ em.
“Trong các dự thảo văn bản pháp luật mới liên quan đến an toàn giao thông, thiết bị an toàn cho trẻ em đã được đặt ra. Đây là xu hướng tích cực trong việc nỗ lực bảo vệ trẻ em tốt hơn trong quá trình tham gia giao thông”, ông Trần Hữu Minh nói.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nội dung này đang được đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện.
Dự thảo Luật quy định, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho thấy, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là 0%. Hầu hết người dùng thiết bị an toàn cho trẻ là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài.
Giảm 60% số ca tử vong ở trẻ em khi sử dụng thiết bị an toàn phù hợp
Nêu quan điểm trẻ em không nên ngồi ghế trước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương cho hay, vị trí này chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm; trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí. Ngoài ra, trẻ hiếu động, tò mò, gây mất tập trung hơn cho người lái xe, không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước trong thiết kế xe.
“Trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,50 m không được ngồi ghế trước”, vị Tiến sỹ này kết luận.
Tán thành với quan điểm trên, Tiến sỹ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, vị trí an toàn nhất cho trẻ là hàng ghế sau bởi nó có khả năng giảm nguy cơ chấn thương kể cả trường hợp dùng và không dùng thiết bị an toàn. Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em. Sử dụng đệm nâng có liên quan đến việc giảm 19% các chấn thương không gây tử vong khi so sánh với trẻ em cùng độ tuổi chỉ sử dụng dây an toàn ngồi ở phía sau xe.
Tiến sỹ Dương Khánh Vân chia sẻ các quy định về thiết bị an toàn của Liên hợp quốc, một số kinh nghiệm triển khai Luật thiết bị an toàn tại Malaysia, Philippines. WHO khuyến nghị cần luật hóa quy định trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135 cm; hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô; có các yêu cầu kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.
Hiện có 91 quốc gia ban hành luật bắt buộc quy định sử dụng thiết bị an toàn. Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm về thực hành tốt này, ngày 28/4/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã gửi văn bản khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đảm bảo giới hạn tuổi sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em là tới 12 tuổi.
Theo đó, trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi phải được chở bằng hệ thống an toàn trên xe ô tô cho trẻ em phù hợp với tuổi chiều cao của trẻ và không được ngồi ở hàng ghế trước của xe. Việt Nam có thể xây dựng khung thời gian hợp lý để áp dụng quy định này trong quá trình triển khai thực tế.
Quy định số 129 (R129) của Hội đồng Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc định nghĩa “thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ”. Quy định này thay thế Quy định 44 (R44) của Liên hợp quốc. R129 áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi/cao dưới 150 cm, trong khi quy định trước đó R44 áp dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi/cao dưới 135 cm.
Bà Dương Khánh Vân cho rằng, Việt Nam hiện đang áp dụng luật thiết bị an toàn và xét về thời gian cần thiết để thông qua luật nói chung, việc áp dụng tiêu chuẩn mới R129 sẽ hiệu quả hơn.
Nêu lên khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên phương tiện giao thông đường bộ, bà Trần Xuân Hằng (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nhấn mạnh về sự cần thiết phải có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông. Các kiến nghị về bảo đảm an toàn cho trẻ em ngồi trên ô tô được bà đưa ra là bổ sung các quy định về các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên phương tiện theo các thực hành quốc tế tốt, bao gồm: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m được chở trên xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Đồng thời, cần có định nghĩa về thiết bị an toàn cho trẻ em; quy định phân loại, quy chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm quản lý đối với hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em…/.