Môi trường

Cần sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc)

Vĩnh Phúc

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở buôn bán, kinh doanh phế liệu… tại xã Tề Lỗ và Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đang có chiều hướng gia tăng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở buôn bán, kinh doanh phế liệu, tháo dỡ xe mô tô, ô tô, máy ủi, máy xúc, các loại động cơ lớn nhỏ… tại xã Tề Lỗ và Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đang có chiều hướng gia tăng.

Không ít hộ gia đình, cơ sở làm nghề tại các địa phương này có những bãi tập kết sắt phế liệu, cùng các mặt hàng phụ tùng linh kiện xe ô tô, xe xúc lên tới hàng chục tỷ đồng. Nghề buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ tuy tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nhiều người đã trở thành ông chủ giàu có thực sự, nhưng cũng đang kéo theo nhiều hệ lụy xấu về ô nhiễm môi trường.

Cơ sở buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ và “mổ” xe ô tô, mô tô cũ tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. 
Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch- TTXVN

Làng nghề Tề Lỗ có khoảng 400 bãi chứa xe máy, ô tô hoặc xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có những gia đình có 2 đến 3 bãi. Các làng nghề ở Tề Lỗ luôn có hàng chục ngàn chiếc xe ôtô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu xếp tràn lan khắp thôn xóm, ven ao hồ, đồng ruộng chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, linh kiện. Tương tự, cạnh xã Tề Lỗ là xã Đồng Văn cũng có hàng trăm hộ làm nghề buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ, buôn xe cũ và các mặt hàng cơ khí, phụ tùng các loại phương tiện cơ giới qua sử dụng.

Tại những địa phương này, động cơ cũ, các loại chi tiết còn tốt nằm trong xe máy, xe ô tô hoặc động cơ dầu, động cơ điện được các hộ kinh doanh tháo dỡ, sau đó phân loại, bảo dưỡng, cất giữ để mang bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công.

Anh Hoàng - một người làm nghề tự do trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên cho biết, những người sửa chữa xe ô tô, xe máy, gia công cơ khí… đến  các địa phương này tìm mua đồ đã qua sử dụng thì cái gì cũng có, giá lại chỉ bằng 20 đến 30% so với sản phẩm mới cùng loại. Những chiếc cưa điện cắt gỗ cầm tay của Nhật nếu như mới ở thị trường có giá trên dưới 1 triệu đồng trong khi cưa điện cắt gỗ cũ bán tại Đồng Văn chỉ 200 đến 300 ngàn đồng/chiếc; cờ lê, mỏ lết, vam, kìm.. cũ ở Đồng Văn hoặc Tề Lỗ được bán theo giá cao gấp 2 đến 3 lần so với thép phế liệu, chỉ 25 đến 30 ngàn đồng/kg. Đặc biệt nhiều chiếc xe ô tô 5 chỗ cũ do Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất, động cơ hoạt động bình thường có giá chỉ 30 đến 40 triệu đồng/chiếc. Tất cả những phụ tùng, linh kiện xe mô tô cũ đều có thể đặt mua với số lượng lớn, giá rẻ bất ngờ, thậm chí bằng 2 đến 3 lần so với giá sắt phế liệu.

Nhờ buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ, buôn bán xe ô tô cũ, phụ tùng cũ, hiện nay các cơ sở này tại hai xã Đồng Văn, Tề Lỗ đang giải quyết cho hàng ngàn người dân có việc làm ổn định, mức thu nhập từ 300 đến 500 ngàn đồng/người/ngày.

Cơ sở buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ và “mổ” xe ô tô, mô tô cũ tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. 
Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch- TTXVN

Tuy nhiên, nghề này cũng gây ra nhiều điều phiền toán cho chính người dân địa phương bởi sự ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Những ngõ, đường lớn nhỏ hay ao hồ, khu đất trống ven làng… đâu đâu cũng có mặt của cao su, nhựa, thủy tinh vỡ vụn, động cơ tháo dỡ dính dầu mỡ… Dạo quanh các thôn, xóm của các xã, có thể thấy các ao, hồ, kênh, mương, ven đồng ruộng nhiều nơi đang bị chiếm dụng để làm chỗ tập kết các loại vật liệu kim loại, phi kim loại, thành thùng xe ô tô, máy xúc và máy cẩu…

Trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện có một số cụm công nghiêp đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật gồm: Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc, Cụm công nghiệp Tề Lỗ và Cụm công nghiệp Yên Đồng; trong đó, hầu hết các Cụm công nghiệp này đã lấp đầy 100% diện tích. Do diện tích các Cụm công nghiệp còn hạn chế, cộng với việc một số cơ sở sản xuất chưa có ý thức di dời, nên đến nay, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại các làng nghề chưa được giải quyết triệt để.

Cơ sở buôn bán kinh doanh phế liệu, tháo dỡ động cơ và “mổ” xe ô tô, mô tô cũ tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. 
Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch- TTXVN

Từ năm 2018, xã Tề Lỗ giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở đây vẫn là bài toán chưa có lời giải, bởi các hộ làm nghề đông, lượng chất thải lớn, thu gom khó, giá thành xử lý đắt. Mặt khác, bãi rác này quá nhỏ so với quy mô làm nghề ở địa phương.

Để phục vụ phát triển kinh tế, song song với đảm bảo môi trường sống tại các làng nghề, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các Cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các làng nghề; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất tại các Cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế; hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề sớm di dời ra khỏi khu dân cư. /.

Nguyễn Trọng Lịch

Xem thêm