Người dân trên địa bàn huyện Tân Uyên luôn ý thức tốt việc trồng, bảo vệ diện tích rừng đã có.
Trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt, rừng sẽ đem đến “quả ngọt” cho các chủ rừng. Vì thế người dân trên địa bàn huyện Tân Uyên luôn ý thức tốt việc trồng, bảo vệ diện tích rừng đã có để được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mỗi năm một cách ý nghĩa nhất.
Theo kế hoạch trồng rừng mới 5 năm (giai đoạn 2021-2025), toàn huyện đề ra mục tiêu trồng mới 2.650ha rừng. Trong đó, trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn chiếm diện tích lớn nhất (2.000ha), còn lại là trồng rừng sản xuất cây quế: 400ha; trồng rừng phòng hộ: 250ha. Ngoài ra, thực hiện khoanh nuôi tái sinh 1.790ha. Còn 1 năm nữa mới hết kế hoạch giai đoạn, đến nay, tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện đạt 94,15% kế hoạch (tương đương 2.495,15ha), giống cây trồng chủ yếu là quế, dổi. Diện tích phân bổ trồng rừng được chia đều cho các năm, huyện giao Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ thực hiện và các tổ chức cá nhân, hộ gia đình trồng. Từ năm 2021 đến nay, năm nào huyện cũng đạt 100% chỉ tiêu giao về diện tích trồng rừng.
Khoanh nuôi tái sinh, tuy không thực hiện việc ký hợp đồng nhận khoán rừng, nhưng 100% hộ dân của các thôn bản cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng để những vị trí đó sớm thành rừng, sớm được hưởng chính sách DVMTR. Căn cứ Quyết định phê duyệt kế hoạch thu chi DVMTR hằng năm của UBND tỉnh, trung bình mỗi năm BQL rừng phòng hộ thực hiện giao khoán hơn 23.000ha rừng trên địa bàn 9 xã, thị trấn cho các cộng đồng bản, tổ dân phố, hộ gia đình đạt 109,52% kế hoạch đề ra.
Để nâng cao ý thức của người dân về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tập trung lãnh, chỉ đạo, các ngành, xã, thị trấn, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc bảo vệ tốt diện tích rừng đã được nhà nước đầu tư. UBND huyện chỉ đạo triển khai chặt chẽ kế hoạch trồng rừng mới đảm bảo đúng tiến độ, mùa vụ, thực hiện hỗ trợ theo đúng các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện. Quan trọng nhất mà huyện đã làm được đó là thực hiện chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng đảm bảo đúng, kịp thời đối với những hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn đối với BQL rừng phòng hộ huyện – đơn vị được giao trực tiếp tham mưu cho huyện về lĩnh vực lâm nghiệp, ngay từ đầu năm, đơn vị xây dựng chương trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm; phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo, viên chức và hợp đồng lao động đối với từng nội dung công việc; xác định tiến độ và khối lượng thực hiện. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng, đơn vị chỉ đạo viên chức, người lao động phối hợp với các cơ quan, ban ngành và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của nhà nước về trồng rừng tới nhân dân. Tiến hành rà soát, quy hoạch, khoanh vùng diện tích trồng rừng; họp, triển khai tới các bản có diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch trồng quế, cây gỗ lớn, rừng phòng hộ. Tổ chức cho nhân dân đăng ký trồng, các hộ gia đình được đo quy chủ, cam kết thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Thời điểm cuối năm là lúc cơ quan chuyên môn huyện phối hợp các xã, thị trấn khẩn trương nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ chi trả DVMTR cho 62 cộng đồng bản tổ dân phố trên địa bàn các xã, thị trấn và 48 hộ, nhóm hộ với tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 23.336,95ha. Đồng thời triển khai việc tạm ứng tiền DVMTR năm 2024 để chi trả cho các bản, tổ dân phố, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng với BQL rừng phòng hộ theo quy định.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn – Trưởng BQL Rừng phòng hộ huyện thông tin: Trên cơ sở kết quả họp bản, tổ dân phố, UBND các xã, thị trấn tổng hợp, lập danh sách nhu cầu đăng ký tạm ứng tiền gửi về BQL rừng phòng hộ để tổng hợp đăng ký tạm ứng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Qua tổng hợp tạm ứng, có 2 xã đề nghị được chi trả thành 2 đợt (đợt trước tết và sau tết Nguyên đán) gồm Trung Đồng và Nậm Cần, còn lại các xã, thị trấn đề nghị chi trả 1 lần trong quý I/2025. Dự kiến sau khi có quyết định chi trả của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Ban QLR phòng hộ huyện sẽ tiến hành chi trả cho người dân 2 xã trên.
Xã Nậm Cần có tổng diện tích rừng tương đối lớn với 5.554,36ha, trong đó, diện tích dự kiến chi trả DVMTR năm 2024 thuộc lâm phần xã giao khoán là 4129,61ha. Người dân 6/6 bản đều có nhu cầu tạm ứng với tổng kinh phí đề nghị tạm ứng là trên 1,7 tỷ đồng. Anh Bùi Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cần cho biết: Việc triển khai tiền chi trả DVMTR đảm bảo đúng, kịp thời góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng; số vụ cháy rừng và vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm rõ rệt. Công tác phát triển rừng được các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quan tâm thực hiện. Trong năm 2024, xã trồng mới được 270/50ha rừng sản xuất (đạt 540% kế hoạch). Người dân thực hiện mua gần 100 vạn cây giống để trồng dặm, trồng bổ sung vào các diện tích rừng có cây bị chết.
Có thể thấy việc chi trả tiền DVMTR đã có tác động tích cực đến công tác trồng, phát triển rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên và ngược lại, nhờ được hưởng chính sách chi trả nên người dân càng thêm mặn mà với công tác trồng rừng. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho người dân./.
- Từ khóa:
- Lai Châu
- trồng rừng
- bảo vệ rừng
- môi trường