Môi trường

Cải thiện sinh kế cho người dân Bum Tở từ giữ rừng

Lai Châu

Bum Tở là xã vùng cao của huyện Mường Tè, chủ yếu là dân tộc La Hủ sinh sống. Toàn xã có 7.083,88ha, tỷ lệ che phủ đạt 55,2%. Năm 2024, xã trồng mới hơn 30ha quế, hiện có tổng 800ha rừng trồng.

Nhận thấy lợi ích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, bà con xã Bum Tở, huyện Mường Tè thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã cải thiện sinh kế bền vững cho người dân; tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè từng bước ấm no nhờ trồng quế.
Ảnh: Phương Ly

Bum Tở là xã vùng cao của huyện Mường Tè, chủ yếu là dân tộc La Hủ sinh sống. Toàn xã có 7.083,88ha, tỷ lệ che phủ đạt 55,2%. Cùng với việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, Bum Tở là 1 trong các xã của huyện Mường Tè làm tốt công tác phát triển rừng. Năm 2024, xã trồng mới hơn 30ha quế, hiện có tổng 800ha rừng trồng.

Bà Pờ Gia Mé (bản Nậm Xả, xã Bum Tở) chia sẻ: “Trồng quế không chỉ phủ xanh đồi núi trọc, phát triển được du lịch sinh thái mà người dân còn được hưởng tiền từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2017 tới nay, gia đình trồng được trên 10ha quế, đến nay được thu hoạch (cành, lá). Vụ này dự kiến sẽ đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình tôi được chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này, tôi đầu tư cây giống, vật nuôi, nông cụ phục vụ sản xuất”.

Mắc ca được đưa vào trồng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Ảnh: Phương Ly

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước kia, một bộ phận người dân còn phá rừng để lấy đất canh tác lúa nương, ngô, sắn. Hệ quả, nhiều cánh rừng trở thành đồi trọc, khiến nguồn nước khan hiếm, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt cao, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của bà con. Để giữ rừng, Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân. Xây dựng phong trào quần chúng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy rừng gắn với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân hưởng lợi, có thêm thu nhập. Thành lập các Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản; huy động các lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

Bà con bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè phát dọn thực bì phòng cháy rừng.
Ảnh: Phương Ly

Ông Phàn A Minh - Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết: “Xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản các ngành, các cấp về quản lý, bảo vệ rừng đến nhân dân. Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền đảm bảo ngắn gon, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với mọi đối tượng thông qua họp bản, loa truyền thanh, hệ thống biển cấm, biển nội quy để bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Riêng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, từng năm, xã rà soát danh sách từng bản, các hộ có rừng từ đó, chi trả đúng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích”.

Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè từng bước ấm no nhờ trồng quế.
Ảnh: Phương Ly

Ngoài ra, xã tổ chức cho các hộ gia đình, chủ rừng trên địa bàn ký cam kết thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, từ đầu mùa khô mỗi năm, xã xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng lịch trực 24/24 giờ, tuần tra, kiểm soát rừng ngăn chặn kịp thời cháy rừng, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Các bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, cấm chặt phá rừng, không xâm hại rừng, chung sức cả cộng đồng để những cánh rừng càng xanh tốt.

Với những cách làm trên, nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng; không còn tình trạng đốt, phá rừng làm nương như trước. Hằng năm, bà con được hưởng lợi gần 7 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, từ việc thực hiện tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã dần thay đổi nhận thức của người dân về rừng, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa nghề rừng, đồng thời hình thành nguồn tài chính mới bền vững cho bà con khi tham gia bảo vệ rừng. Điều cốt lõi mang lại ngoài lợi ích hộ nhận khoán được hưởng lợi thì tiền dịch vụ môi trường rừng đã và đang giảm thiểu mất rừng, nâng cao chất lượng rừng; giữ vai trò cung cấp nước cho thủy điện, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho Nhân dân. Từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai.

Người dân xã Bum Tở (huyện Mường Tè) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ảnh: Phương Ly

Thông qua công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã Bum Tở gắn với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ đảm bảo môi trường sống mà còn góp phần cải thiện sinh kế cho hộ dân, chủ rừng. Đây cũng là nguồn thu nhập nhập ổn định được các gia đình sử dụng có hiệu quả để đầu tư phát triển sản xuất, mua cây giống, vật nuôi; sửa chữa nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt, đầu tư cho con đi học… Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào nơi đây, giúp cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Phương Ly

Tin liên quan

Xem thêm