Môi trường

Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn mang lại lợi ích thiết thực

Cần Thơ

Nông dân cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

 Canh tác lúa giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng tại mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại HTX Thuận Tiến (Tp.Cần Thơ)
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Diễn đàn "Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả trong chương trình IPHM" vừa được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Báo Nông nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long;...

Sử dụng hài hòa giữa các loại thuốc bảo vệ thực vật

Nông dân cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng. Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong kiểm soát sinh vật gây hại cây trồng, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, nông dân sử dụng luân chuyển các thuốc bảo vệ thực vật có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của sinh vật gây hại đối với thuốc trừ bảo vệ thực vật.

Thuốc bảo vệ thực vật được xem là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng; ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại và dập tắt các đợt bùng phát dịch hại cây trồng trên diện rộng một cách nhanh chóng và kịp thời; góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, điểm mạnh những loại thuốc bảo vệ thực vật thuốc là có khả năng phòng trừ sinh vật gây hại nhanh nhất, hiệu quả nhất, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật.

"Tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc bảo vệ thực vật 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt", ông Sơn khuyến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam nhận định, cả thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học đều mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc bảo vệ thực vật thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Diễn đàn "Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả trong chương trình IPHM".
 Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách), “5 nguyên tắc vàng” (bón đúng loại phân, bón phân đúng lúc, bón phân đúng đối tượng, bón phân đúng thời tiết, bón phân đúng cách).

Hiện, thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng trong các chương trình phòng chống sinh vật gây hại tổng hợp (IPC); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Trong đó, chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đang được khuyến khích thực hiện.

Nhân rộng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến năm 2030, ở Việt Nam có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích lúa, cây dược liệu và 30% diện tích rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh áp dụng đầy đủ biện pháp IPHM). Trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM; có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Thành phố Cần Thơ có diện tích khoảng 114.000ha dành cho nông nghiệp, với diện tích chuyên canh lúa khoảng 75.000ha, diện tích cây ăn quả là 26.102ha và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha.

Ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương đã tích cực tuyên truyền về IPHM; triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nông dân về IPHM, đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật IPHM cấp thành phố, 30 nông dân nòng cốt huyện Cờ Đỏ; xây dựng và nhân rộng được 10 mô hình IPHM trên canh tác lúa, cây ăn quả và cây rau màu.

Đánh giá về kết quả triển khai IPHM tại thành phố Cần Thơ, theo ông Huỳnh Thanh Vui, chương trình phù hợp với giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Ngoài ra, việc ứng dụng IPHM giúp hoạt động trồng trọt thay đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

"Các mô hình được triển khai đều hướng người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập trung vào sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng", ông Vui chia sẻ.

Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
  Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đến nay, chương trình IPHM đã trang bị kiến thức cho nông dân về đất khỏe, cung cấp dinh dưỡng cho đất, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý. Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để nhân rộng việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Cả nước hiện có 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi.

Để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại;...

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

“Để phát triển và nhân rộng Chương trình IPHM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công”, ông Lê Văn Thiệt nhận định.

Với sự chung tay của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hệ thống khuyến nông và đặc biệt là người nông dân, những giải pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả trong chương trình IPHM kỳ vọng sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thu Hiền

Xem thêm