Phát triển kinh tế dưới tán rừng đã và đang được tỉnh Lai Châu xác định là hướng đi phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhằm thúc đẩy kinh tế dưới tán rừng, tỉnh tận dụng nhiều chính sách, nguồn lực của Trung ương để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp. Từ đó, tạo động lực giúp Nhân dân mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững; góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng để phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng. Không những vậy từ việc giữ rừng tạo thêm nguồn lợi cho người dân thông qua tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tiềm năng dưới tán rừng
Lai Châu có diện tích tự nhiên là 9.068,78 km2, là vùng đầu nguồn phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà với tổng diện tích có rừng, rừng trồng chưa thành rừng, diện tích cây cao su toàn tỉnh là 501.484ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 52,86%. Diện tích rừng giàu, rừng trung bình chiếm khoảng 13%. Loại đất chủ yếu dưới tán rừng là đất đỏ vàng và đất mùn đỏ vàng trên núi phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu quý. Với diện tích 32% rừng có độ cao từ 1.400-3.100 m so với mực nước biển cùng với khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm mang đến tiềm năng lớn cho phát triển cây Địa lan dưới tán rừng và cây chè cổ thụ. Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên, diện tích cây ăn quả lớn, hệ thực vật đa dạng phong phú với nhiều loại cây ra hoa, phân bố quanh năm là nguồn cung cấp nguyên liệu làm mật và nguồn phấn cho đàn ong phát triển.
Toàn tỉnh hiện có trên 11.000ha các loại như: Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô… Trong đó loài cây Sâm Lai Châu mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở một số vùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu và được người dân bản địa khai thác, sử dụng, bán làm thuốc. Toàn tỉnh trồng được 10,1 ha Sâm Lai Châu và 5 ha cây thất diệp nhất chi hoa. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có 50 ha cây Sâm Lai Châu và 200 ha cây dược liệu quý khác. Ngoài ra, còn thực hiện trồng một số loài cây dược liệu có giá trị khác như cỏ thơm 200 ha, quả đỏ 50 ha, thảo quả 2.100 ha, sa nhân tím 1.517 ha đã và đang cho thu hoạch với giá bán từ 55.000-60.000 đ/kg tươi mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân....
Sâm Lai Châu được gieo trồng chi phí đầu tư trồng 1ha sâm khoảng 10 tỷ đồng, năng suất ước sau 6 năm trồng đạt khoảng 1 tấn/ha, giá bán bình quân 1 kg khoảng 60 triệu đồng, giá trị thu nhập 1ha trừ chi phí khoảng 50 tỷ đồng. Cây Bảy lá một hoa chi phí đầu tư 1 tỷ đồng/ha, năng suất 6 năm trồng 11 tấn/ha, giá trị thu nhập trừ chi phí khoảng 18 tỷ đồng. Cây Lan kim tuyến giá trị kinh tế 1ha khoảng 1 tỷ đồng sau 6 năm thu hoạch.
Ngoài ra, dưới tán rừng còn có tiềm năng một số loại cây khác đã thực hiện trồng cho giá trị kinh tế cao từ 20 triệu đồng/ha đến gần 100 triệu đồng/ha như: Sa nhân tím, thảo quả, địa lan, sơn tra. Riêng diện tích rừng tre nứa 12.500ha mang đến tiềm năng, lợi thế lớn cho khai thác măng ngoài tự nhiên; cùng với đó diện tích chè cổ thụ phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh hơn 700ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha.
Hiện nay, nhiều hộ dân gần khu vực sống ven rừng còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời chăn nuôi ong dưới tán rừng với tổng số 1.670 cơ sở nuôi ong (6 hợp tác xã và 1.664 hộ gia đình); sản lượng thu hoạch 5-6 lít mật/tổ, giá bán từ 200-400 nghìn đồng/lít.
Ông Vàng A Sử, bản Huổi Bắc, xã Pha Mu, huyện Than Uyên chia sẻ: “Tận dụng lợi thế, thế mạnh của địa phương, tôi nuôi 10 thùng ong. Trước nuôi ong chủ yếu để phục vụ cho gia đình, chưa thành sản phẩm để đưa ra thị trường. Đến nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Gia đình tôi đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Tôi thấy mô hình này mang lại thu nhập khá cao”.
Anh Hoàng Phi Hùng – Chủ tịch UBND xã Pha Mu, huyện Than Uyên chia sẻ: “Xã có diện tích tự nhiên là 11.952,53 ha, trong đó có hơn 4.560ha rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã tính đến hết năm 2023 là 39,51%. Những năm gần đây, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, hay đốt nương gây cháy rừng… hầu như không còn. Người dân trong xã, ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ rừng. Không chỉ chung tay, góp sức bảo vệ rừng, người dân các bản trong xã còn tích cực tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, từ khi người dân được chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con hăng hái tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng. Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân trong xã được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng”.
Hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Phát triển kinh tế dưới tán rừng đã và đang được tỉnh xác định là hướng đi phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được hệ thống chính trị, các cấp, ngành tỉnh Lai Châu quan tâm chú trọng, nghiên cứu, định hướng. Một số đề tài, dự án, mô hình bảo tồn, phát triển cây dược liệu được triển khai làm cơ sở nhân rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung như: Sâm Lai Châu, Lan kim tuyến, Bảo lá một hoa, Sa nhân tím… Bên cạnh đó, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định chương trình trọng điểm về phát triển rừng bền vững, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chính sách đẩy mạnh phát triển rừng và kinh tế rừng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: “Với trên 70% dân số của tỉnh có cuộc sống liên quan đến rừng từ canh tác, thu hoạch sản phẩm, sản vật từ rừng. Tỉnh xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, quế, mắc ca. Một số mô hình sinh kế gắn với rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng nhất là nhiều loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế được bảo tồn, phát triển”.
Tỉnh tập trung phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng như: trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2023, tổng diện tích đất có rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên toàn tỉnh là 451.479,88ha, tổng số tiền chi trả là 428 tỷ đồng cho 129 đơn vị cung ứng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bình quân của các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 4,4 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ chi trả kịp thời cho các chủ rừng góp phần bảo vệ, phát triển và quản lý rừng tốt hơn.
Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh. Từ đó, giúp Nhân dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, làm giàu nhờ rừng.
- Từ khóa:
- Lai Châu
- kinh tế
- nông nghiệp