Xã hội

Lai Châu đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cơ sở chăn nuôi tập trung tại huyện miền núi Than Uyên (Lai Châu).

Ảnh: TTXVN phát

Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... đã được tỉnh ban hành để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Lai Châu đã bố trí trên 953 tỷ đồng thực hiện các đề án: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Lai Châu hiện đang cần giải quyết các vấn đề như: Liên kết hình thành vùng, sản phẩm chủ lực có quy mô đủ lớn, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hình thức liên kết hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên kết; quản lý chất lượng vùng nguyên liệu (trồng, quản lý chăm sóc, thâm canh; quản lý thu hoạch, chế biến…). Ngoài ra còn có các giải pháp phân định vùng nguyên liệu; đề xuất xác định sản phẩm, phối hợp hình thành liên kết vùng sản xuất giữa các huyện nhằm tạo sản phẩm có quy mô lớn, chất lượng gắn chế biến; giải pháp về cơ chế, chính sách sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa trong giai đoạn tới theo hướng liên kết, hữu cơ, an toàn...

Bên cạnh đó, các huyện như: Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ… có thế mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa và cây ăn quả đã ký kết biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây mít, mía, dứa; sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè. Đồng thời, ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên để phát triển vùng trồng dứa với quy mô khoảng 1.000 ha; Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Khánh Thìn đầu tư trồng và phát triển cây mít ruột đỏ với quy mô khoảng 800 ha; Công ty TNHH thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây mía với quy mô khoảng 7.000 ha.

Để ngành chè Lai Châu giá trị cao và bền vững, ông Đỗ Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bio Farm Việt Nam nhấn mạnh, có 2 giải pháp để đưa chè Lai Châu lên một tầm cao mới. Theo đó, Lai Châu phải củng cố vùng nguyên liệu tiến tới sản xuất chè an toàn, hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, nhất là thị trường xuất khẩu. Thêm nữa là mở rộng kênh phân phối tiêu thụ và xuất khẩu, đặc biệt, nên quan tâm đến những thị trường xuất xuất khẩu khó tính, có giá trị cao và đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu đáp ứng đơn hàng của đối tác. Đồng thời tham gia với những thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ… Hiện tại, công ty đang liên kết với 1 số tập đoàn lớn ở Trung Đông để bao tiêu sản phẩm chè của Lai Châu nếu tỉnh xây dựng được vùng chè an toàn.

Mô hình trồng chanh leo của anh Hoàng Văn Ngơi, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên (Lai Châu).
Ảnh: TTXVN phát

Nói về tiềm năng cây dứa, ông Từ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên cho biết, Lai Châu có tiềm năng lớn phát triển cây dứa mà ít tỉnh khác có được vì điều kiện thổ nhưỡng ở đây cho quả dứa chất lượng rất tốt. Quả dứa trồng ở những vùng Sìn Hồ, Tân Uyên có hàm lượng a xít thấp trong dinh dưỡng nên chế biến làm các sản phẩm xuất khẩu rất tốt nhưng vướng nhất hiện nay là liên kết với người dân. Diện tích đất của bà con manh mún, đồng hành của người dân và doanh nghiệp chưa được cao. Do vậy, công ty mong muốn tỉnh phải quy hoạch và phát triển vùng trồng ổn định. Công ty sẽ đầu tư toàn bộ từ khâu giống, phân bón đến giá cả tối thiểu để người dân có lãi nên sẽ không có chuyện “được mùa mất giá”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hàng tập trung.

Cùng đó, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất tích hợp đa giá trị; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo quy chuẩn; áp dụng tốt các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các huyện với nhau, các huyện với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong phát triển vùng nguyên liệu tập trung; bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững gắn với dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành liên kết hệ thống các cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp…

Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh ước đạt 226.100 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 371.930 con, trên 1.8 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 21.000 tấn; diện tích ao nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 1.027ha với 92 cơ sở nuôi cá nước lạnh, thể tích nuôi 66.920 m3, thể tích nuôi cá lồng 220.592 m3; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên ước đạt 3.725 tấn. Toàn tỉnh hiện có 195 doanh nghiệp, 221 hợp tác xã, 173 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm