An sinh

Giảm nghèo bền vững: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Đắk Lắk

Trong giai đoạn 2021-2023, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Đắk Lắk giảm bình quân 1,74%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra từ 1,5-2%/năm.

Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2% mỗi năm
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt khi địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm làm rõ hơn về thực trạng, thách thức và giải pháp trong giai đoạn tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Ayun H’Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.

- Phóng viên: Bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk thời gian qua. Thực trạng này đang đặt ra những thuận lợi và khó khăn gì cho địa phương?

- Bà Ayun H’Hương: Công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2021-2023, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,74%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra từ 1,5-2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình 3,45%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 3-4%/năm. Đặc biệt, các chương trình như hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk, hỗ trợ việc làm và xuất khẩu lao động đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 100.920 lao động, trong đó có 3.570 người tham gia xuất khẩu lao động, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình. Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục, y tế, hỗ trợ vay vốn, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện cũng được thực hiện đồng bộ, giúp người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ cơ bản.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều thách thức. Hiện, toàn tỉnh còn 46.091 hộ nghèo, chiếm 9,15% tổng số hộ dân, xếp thứ hai cả nước về số lượng hộ nghèo. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, chiếm tới 67,7% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều hộ dân chưa có việc làm ổn định, kỹ năng lao động còn hạn chế, và khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ chưa đồng đều.

Một khó khăn khác là công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn tình trạng triển khai các chính sách ở mức độ cơ bản, thiếu đột phá. Cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và giao thương của người dân.

Bà Ayun H’Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

- Phóng viên: Trước những khó khăn này, theo bà, tỉnh cần tập trung vào những giải pháp nào để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác giảm nghèo bền vững?

- Bà Ayun H’Hương: Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào ba nhóm chính: Nâng cao nhận thức, tăng cường nguồn lực, và cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong việc vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng nhằm tạo ra nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo.

Thứ hai, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lao động. Hiện nay, nhu cầu về lao động có tay nghề tại địa phương cũng như thị trường lao động xuất khẩu là rất lớn. Chúng tôi đã và đang triển khai “Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024-2026” với mục tiêu tạo cơ hội việc làm bền vững cho hàng nghìn lao động mỗi năm.

Thứ ba, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới và trường học cần được đầu tư đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo sẽ được thực hiện quyết liệt, với mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trước năm 2025.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, đánh giá các chương trình, dự án giảm nghèo để đảm bảo hiệu quả và đúng đối tượng. Các địa phương cần thực hiện phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân dẫn đến nghèo, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng

- Phóng viên: Bà có thể chia sẻ thêm về các mục tiêu cụ thể mà tỉnh Đắk Lắk hướng đến trong giai đoạn 2024-2025 để đảm bảo giảm nghèo bền vững?

- Bà Ayun H’Hương: Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2% mỗi năm. Với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắk và M’Drắk, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép ba Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đạt kết quả tối ưu.

Một trong những trọng tâm là tạo việc làm bền vững cho người dân. Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm thông qua các chương trình hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đặc biệt, các lao động thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo sẽ được ưu tiên tham gia các chương trình này.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nhà ở sẽ là nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước cuối năm 2025. Đây không chỉ là giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn là tiền đề để họ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế sẽ được triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng đời sống tại các vùng khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu này, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, ngành, cùng với sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đắk Lắk sẽ từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm