Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34%, giảm 4.042 hộ so với năm 2023.
Công tác giảm nghèo ở Sóc Trăng năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ chiếm 1,34% trong tổng dân số. Đó là kết quả từ việc huy động nhiều nguồn lực thực hiện các mô hình giảm nghèo, nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo.
Huyện Mỹ Xuyên là địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm hơn 33% dân số. Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện chiếm gần 5%, nhưng đến nay chỉ còn dưới 1% dân số toàn huyện.
Ông Phạm Minh Huệ, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên thông tin, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đưa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững vào Nghị quyết nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện. Đồng thời, lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia vào thực hiện công tác giảm nghèo, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, các ấp đặc biệt khó, hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nhà ở, đất ở, tư liệu sản xuất, nước sinh hoạt. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Đến nay, toàn huyện còn 298 hộ nghèo, chiếm 0,73% và 919 hộ cận nghèo, chiếm 2,24%. Trong đó hộ nghèo là đồng bào Khmer chiếm 1,2%, hộ cận nghèo là 2%, giảm 6,76% so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 75,3 triệu đồng/người/năm, đã tăng 25,3 triệu đồng so với năm 2021. Đến nay, Mỹ Xuyên là một trong những huyện có số hộ nghèo giảm nhanh và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất ở tỉnh Sóc Trăng.
Một mô hình tiêu biểu góp phần giảm nghèo ở huyện Mỹ Xuyên là mở các lớp đào tạo nghề đan đát, giúp những hộ dân nhàn rỗi có thêm thu nhập. Chị Trần Vươl (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) cho hay, trước kia gia đình chỉ trồng rau màu buôn bán hàng ngày nuôi hai con ăn học, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề đan đát (gia công sản phẩm thủ công từ cây lục bình), gia đình đã có thêm thu nhập. Hiện nay, thu nhập từ đan lát là gần 4 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương chồng chị Vươl đi làm nên thu nhập gia đình cũng đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Gia đình đã tiết kiệm, xây dựng được căn nhà khang trang, đủ tiền cho con đi ăn học, cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều.
Cách đó không xa, cô Sơn Thị Sương cũng tham gia lớp đào tạo nghề đan đát, giúp tăng thêm thu nhập. Cô Sương năm nay đã hơn 63 tuổi, không còn đủ sức khỏe đi làm nương, làm rẫy mà tham gia lớp học nghề đan đát, thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, dùng để đóng tiền điện, nước, mua đồ ăn hàng ngày. Cô cũng cho biết, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mở các lớp đan lát đã giúp hàng trăm chị em phụ nữ, người già, lao động nhàn rỗi có công việc làm, tăng thêm thu nhập.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Đặng Thanh Quang cho biết ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng ngân sách là trên 114 tỷ đồng. Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay toàn tỉnh còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% (giảm 4.042 hộ so với năm 2023, tương đương giảm 1,2%), hộ cận nghèo còn 17.084 hộ, chiếm tỷ lệ 5,10% (giảm 4.569 hộ so với năm 2023).
Năm 2025, Sở tiếp tục tham mưa cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 45,9%, lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 84,5%. Đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,1%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 0,2%/năm./.
- Từ khóa:
- Mô hình giảm nghèo
- hộ nghèo
- hộ cận nghèo
- Sóc Trăng