Sự cộng hưởng của các chính sách an sinh xã hội được Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành, triển khai đã tạo ra sự thay đổi rõ nét ở những “vùng trũng” của tỉnh với những con số thuyết phục: toàn tỉnh không còn hộ nghèo đa chiều chuẩn quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 10/12/2021, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Nghị quyết 05/NQ-TU về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân trong tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã trở thành “kim chỉ nam” và tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa bằng những chính sách nhân văn, lấy con người làm trung tâm cho mọi sự phát triển.
*Miễn 100% học phí cho học sinh
Ngày 17/7/2024, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi, học sinh phổ thông trung học cả ở công lập và ngoài công lập, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên với mức hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập theo quy định của HĐND tỉnh theo từng cấp học.
Như vậy, cùng với những Nghị quyết đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, đến năm học 2024-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã miễn học phí cho toàn bộ học sinh các cấp học công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh với mức bằng công lập.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận cho biết, tỉnh xác định giáo dục là “quốc sách” hàng đầu nên những năm qua đã luôn quan tâm dành khoản lớn ngân sách cho đầu tư và ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho giáo dục nhằm mục tiêu đào tạo ra một lực lượng lao động có kiến thức, trình độ cao phục vụ cho phát triển trong tương lai. Hiện tỉnh cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh trên địa bàn.
Bên cạnh miễn giảm học phí cho học sinh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn rà soát, bổ sung những chính sách khác hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục thuộc nhóm đối tượng còn khó khăn, đảm bảo tốt nhất cho việc dạy và học.
Cụ thể, để thu hút trẻ mầm non ra lớp, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình có bố mẹ làm công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh, tháng 8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND quy định mức trợ cấp đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở mầm non giáo dục độc lập, tư thục nơi có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 240 nghìn đồng/trẻ/tháng, 800 nghìn/giáo viên/tháng và 20 triệu đồng/năm cho cơ sở giáo dục để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị học tập, sửa chữa cơ sở vật chất.
Tháng 9/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh trường dân tộc nội trú của tỉnh (ngoài mức đang được hưởng) với mức hỗ trợ bằng 80% mức lương cơ sở/tháng/học sinh. Và tháng 12/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2003/NQ-HĐND hỗ trợ tiền ăn cho giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh có tổ chức bán trú với mức hỗ trợ 60 nghìn/người/ngày. Trước đó, tháng 8/2020, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Ba cho biết, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành 16 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đặc biệt là các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên. Đến năm học 2024-2025, tất cả các em học sinh từ công lập đến tư thục đều được hỗ trợ 100% mức học phí công lập trên toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục đã tăng mạnh qua từng năm. Năm 2024, trung bình điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của thí sinh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 6,872 điểm, xếp thứ 17 trên 63 tỉnh, thành cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2023, trong đó nổi bật là điểm trung bình của các môn Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh có sự bứt phá vượt bậc trên “bảng xếp hạng” toàn quốc.
*Quan tâm “vùng trũng”, đối tượng khó khăn
Song song với phát triển kinh tế-xã hội, việc xây dựng, ban hành các chính sách về an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Mới đây nhất, tại kỳ họp ngày 17/7/2024, HĐND tỉnh tiếp tục thông qua Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người từ đủ 65 tuổi trở lên với số tiền mỗi năm khoảng 46 tỉ đồng.
Ngay giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng đối với người dân nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2022-2025 là hơn 937 tỉ đồng. Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về Chương trình phát triển kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí đầu tư gần 622 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Cũng tại kỳ họp ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh còn thông qua Nghị quyết hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo chuẩn tỉnh và hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm với số tiền hơn 21 tỉ đồng/năm.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cho biết, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất tỉnh, huyện đã nhanh chóng triển khai các chính sách đã ban hành, đồng thời thường xuyên theo sát, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện, không để quên, sót trường hợp nào. Các nguồn vốn cấp về đều được huyện bố trí đúng nhu cầu, mục đích. Nhờ vậy, từ một huyện nghèo, thuần nông, từ cuối năm 2023, huyện đã trở thành huyện đầu tiên không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh.
Tại kỳ họp ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh tiếp tục thông qua 3 Nghị quyết về an sinh xã hội. Đặc biệt, kỳ họp này đã thông qua Nghị quyết số 74/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 với tổng vốn hơn 3.071 tỉ đồng. Đây là Nghị quyết có tầm ảnh hưởng sâu, rộng nên được các sở, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ, đồng bộ với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân vùng thụ hưởng.
Cùng với các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từ trước đó, đến nay, toàn bộ 47/47 xã đạt nông thôn mới, 37/47 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 8/47 xã đạt nông thôn mới kiểm mẫu, 7/8 đơn vị cấp huyện được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới.
Sự cộng hưởng của các chính sách an sinh xã hội được Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành, triển khai đã tạo ra sự thay đổi rõ nét ở những “vùng trũng” của tỉnh với những con số thuyết phục: toàn tỉnh không còn hộ nghèo đa chiều chuẩn quốc gia, số hộ nghèo chuẩn tỉnh chỉ còn 0,26% (787 hộ), trong đó huyện Châu Đức và Côn Đảo không còn hộ nghèo chuẩn của tỉnh.
Tỷ lệ thôn, ấp đông đồng bào dân tộc sinh sống có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt gần 98%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 99,8%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, gần 79% sử dụng nước máy và chỉ còn 78 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn của tỉnh hiện đạt 80 triệu đồng/người/năm, vượt trước yêu cầu đạt từ 62 triệu trở lên đối với vùng Đông Nam Bộ đến năm 2025, quy định tại Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, ban hành theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Những kết quả ấn tượng trên thể hiện những chính sách tỉnh ban hành, thực hiện những năm qua đã và đang thực sự phát huy tác dụng, góp phần nâng cao cuộc sống, hạnh phúc của người dân, làm cơ sở vững chắc để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030./.
- Từ khóa:
- Bà Rịa-Vũng Tàu
- nâng cao
- chất lượng
- cuộc sống
- người dân