An sinh

Hà Nội ưu tiên an sinh xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Hà Nội

Hà Nội xác định, phát triển an sinh xã hội là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chi trả trợ cấp xã hội ở Hà Nội.
Ảnh: Hoàng Hiếu-TTXVN


Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương. Các chính sách như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề đã được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng cải thiện hệ thống y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, văn minh. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm lo, tạo nên một xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Thành phố xác định, phát triển an sinh xã hội là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2024, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.246 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan; tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.560 trường hợp với số tiền hỗ trợ 180 tỷ đồng.

Trong 10 tháng qua, thành phố giải quyết trên 9,4 nghìn hồ sơ với kinh phí trên 2.100 tỷ đồng. Toàn thành phố hiện có trên 203.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; tổng kinh phí chi trả là gần 1.500 tỷ đồng.

Thành phố chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Các Trung tâm nuôi dưỡng người có công của thành phố đã phối hợp các quận, huyện, thị xã đón và thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 2.883 lượt người có công và thân nhân với kinh phí gần 11 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng của năm 2024, Hà Nội thực hiện điều dưỡng tập trung trên 18,4 nghìn lượt người, với tổng kinh phí trên 81,5 tỷ đồng.

Hà Nội quan tâm đào tạo nghề, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp và  khu công nghiệp.

Chỉ trong tháng 10/2024, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 17,5 nghìn lao động, trong đó 1,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 104 tỷ đồng. Có 1,9 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; trên 14,3 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và những hình thức khác.

Tính chung 10 tháng của năm 2024, thành phố giải quyết việc làm cho 196,3 nghìn lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 64,5 nghìn người với số tiền hỗ trợ 1.978 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học nghề để tìm việc mới cho hơn 9.000 người với số tiền 3,7 tỷ đồng.

Các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 226,5 nghìn lượt người. Thông qua việc đào tạo nghề hàng năm, người lao động đã có cơ hội tìm việc làm và đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Chi trả lương hưu, trợ cấp tại phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ảnh: Hoàng Hiếu-TTXVN

Thành phố cũng quan tâm chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2024, bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5% dân số; tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,5%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 40% lực lượng lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng số tiền thu từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 60,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023./.

Nguyễn Văn Cảnh

Xem thêm