Thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hậu Giang tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được quan tâm đầu tư.
Sáng 1/11, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 33.000 đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.
Ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hậu Giang, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà nhấn mạnh, thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được quan tâm đầu tư. Văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có những chuyển biến mạnh mẽ; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, các địa phương, đơn vị quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; chăm lo công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn...
Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Hậu Giang tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ấp đặc biệt khó khăn; chú trọng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững, tránh tái nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; phối hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia tiến tới giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh Hậu Giang có 15 dân tộc thiểu số, 8.806 hộ với 33.450 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với đồng bào Kinh. Từ năm 2019 - 2024, các chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được các cấp, ngành thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023). Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thế trận lòng dân được củng cố, trật tự, an toàn xã hội, an ninh chính trị được giữ vững.
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác và chính sách dân tộc; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2024./.