An sinh

Xây dựng nhiều mô hình sinh kế hiệu quả vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quảng Bình

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Người dân huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) tham gia học nghề chế biến món ăn. 
Ảnh: TTXVN phát

Với mục tiêu tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) khuyến khích người dân tham gia các lớp đào tạo nghề dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, bền vững.

Xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nông nghiệp và trồng rừng. Năm 2023, dựa trên những thế mạnh đó, anh Đinh Quang Thao (thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa) đã mạnh dạn tham gia học nghề thú y và chăm sóc, trồng rừng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa.

Sau 3 tháng học, anh Đinh Quang Thao đã xây dựng mô hình trang trại quy mô hộ gia đình nuôi gà, lợn và trồng rừng sản xuất. Anh Thao vận dụng các kiến thức đã học, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng trừ bệnh. Từ đó, mô hình chăn nuôi của anh bước đầu cho thu nhập ổn định.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2024, anh tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại nuôi 4 lứa gà/năm, mỗi lứa 1.000 con. Ngoài ra, anh còn nuôi khoảng 60 con lợn thịt, lợn nái, trồng 4ha rừng sản xuất. Hiện sau khi trừ chi phí, thu nhập gia đình anh Đinh Quang Thao đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh Đinh Quang Thao (thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) chia sẻ, tôi thấy các kiến thức trong thời gian học nghề rất bổ ích, giúp tôi tự tin hơn trong việc phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, các kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đã được áp dụng một cách triệt để, nhờ đó trang trại của tôi chưa xảy ra trường hợp nhiễm bệnh nào.

Còn tại xã Hóa Hợp, tuy là địa phương miền núi biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Minh Hóa nhưng lại có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi ong lấy mật do địa thế vùng đồi núi, có nhiều hoa thơm tự nhiên. Dựa trên lợi thế này, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân học nghề nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ông Đinh Văn Nương (xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa) là một trong nhiều hộ dân được tham gia lớp học nghề nuôi ong lấy mật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa. Với ông Nương, đây là cơ hội để ông có thể thoát nghèo bền vững. Và thực tế sau khi triển khai mô hình nuôi ong lấy mật tại gia đình, các kiến thức được học đã được ông áp dụng rất hiệu quả.

Ông Đinh Văn Nương chia sẻ, nuôi ong là nghề truyền thống của địa phương, song trước đây người dân nuôi ong chỉ dựa vào kinh nghiệm. Sau khi tham gia lớp học đào tạo nghề, tôi được trang bị các kiến thức bài bản hơn về nghề nuôi ong với các phương pháp mới, đặc biệt là việc phòng trừ bệnh cho đàn ong. Từ đó, tôi nuôi ong khoa học hơn, hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống. Hiện gia đình tôi thu nhập từ nghề nuôi ong khoảng trên 100 triệu đồng/năm.

Tại huyện Minh Hóa, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đang được xem là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Huyện Minh Hóa đã tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc lựa chọn ngành nghề; dựa trên các thế mạnh của địa phương để học nghề và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp.

Người dân huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) tham gia học nghề chế biến món ăn. 
Ảnh: TTXVN phát

Bà Cao Thị Mỹ Nhạn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa đã và đang đào tạo 10 lớp với 350 học viên, tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Mỗi lớp học nghề thường kéo dài 1,5-3 tháng.

Theo bà Cao Thị Mỹ Nhạn, Trung tâm đã chủ động áp dụng các mô hình dạy nghề hiệu quả gắn với các nghề có thế mạnh tại địa phương như: Nghề trồng nấm, trồng rau, trồng rừng, nuôi ong lấy mật, đan lát, chế biến món ăn… Giáo viên Trung tâm đã chú trọng truyền đạt cho học viên những kiến thức cơ bản để sớm áp dụng vào thực tế sản xuất tại hộ gia đình, qua đó tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đánh giá công tác đào tạo nghề trên địa bàn, ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề huyện Minh Hóa đạt trên 39%, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

“Thời gian tới, huyện Minh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của việc học nghề trong phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục khảo sát, đào tạo theo nhu cầu của người học; nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị và chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của lao động trên thị trường”, ông Hoàng Thanh Bình cho biết thêm./.

Tá Chuyên

Tin liên quan

Xem thêm