An sinh

Giao khu vực biển trong thẩm quyền cho các hộ nuôi trồng thủy sản

Quảng Ninh

Để tái thiết giúp người dân vừa khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các quy định, thời gian qua, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã nỗ lực triển khai các thủ tục để giao khu vực biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong thẩm quyền.

Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên trao Quyết định giao khu vực biển cho hộ dân nuôi trồng thủy sản. 
Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Câu chuyện gỡ khó trong giao khu vực biển cho các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được nhân dân, chính quyền quan tâm. Vấn đề đó lại tiếp tục nóng lên sau bão số 3, bởi hiện nay các địa phương có biển của Quảng Ninh đang phải sắp xếp, tái thiết lại hoạt động nuôi biển.

* Sắp xếp, tái thiết lại hoạt động nuôi biển

 Sau bão số 3, thị xã Quảng Yên - vựa nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại khoảng trên 507 tỷ đồng. Để giúp người dân vừa khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các quy định, địa phương đã nỗ lực triển khai các thủ tục để giao khu vực biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong thẩm quyền.

Ngày 13/10, địa phương này đã chính thức trao quyết định giao khu vực biển cho 164 hộ, mỗi hộ 0,6 ha, kèm theo vị trí, sơ đồ khu vực biển nuổi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch của thị xã Quảng Yên tại xã Hoàng Tân và Liên Hòa, nằm trong khu vực 3 hải lý thuộc thẩm quyền giao của địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Yên là địa phương giao khu vực biển cho nhiều hộ dân nhất trong tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Địa phương phấn đấu từ nay đến trung tuần tháng 11/2024 sẽ hoàn thành việc giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân thuộc đối tượng sinh kế trên địa bàn yên tâm tái thiết sản xuất.

Tuy nhiên, với đặc thù riêng của thị xã Quảng Yên là ngư dân chủ yếu nuôi hàu cửa sông, do đó bị phụ thuộc vào độ mặn của vùng nuôi, ngư dân sẽ phải di chuyển bè nuôi đến vùng nước có độ mặn phù hợp cho đối tượng nuôi sinh trưởng. Với diện tích được quy hoạch, điều kiện thực tế và nhu cầu nuôi cao, địa phương gặp phải nhiều khó khăn. Theo ông Thắng có thể địa phương sẽ phải tính toán thêm phương án để tháo gỡ vướng mắc này, vì hàu cửa sông là một sản phẩm có thương hiệu của Quảng Yên, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân.

Theo thống kê, thị xã Quảng Yên có 710 hộ, 62 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, theo Đề án phát triển nuôi trồng trên biển thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có tổng diện tích được quy hoạch gần 865 ha.

Nếu giao cho tất cả các hộ sẽ không đủ diện tích, do đó, điều kiện để giao khu vực biển bắt buộc là các hộ có hộ khẩu tại địa phương, sinh kế chính từ nuôi trồng thủy sản và ưu tiên các hộ bị thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án tại địa phương.

Ngoài thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn cũng đã tiến hành giao biển cho 5 hộ. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp xếp lại vùng nuôi trồng thuỷ sản theo Đề án và diện tích đã được quy hoạch và tiến hành tạm giao vị trí, diện tích mặt nước trên cơ sở hiện trạng các hộ đã nuôi cho người dân.

Đến thời điểm hiện nay đã giao cho 57 hợp tác xã, với tổng số 912 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 5.500 ha, tăng 42 % so với trước bão. Người dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000 ha, xuống giống mới được 200 ha. Đối với nuôi cá đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% trước khi bão số 3 xảy ra.

Vị trí nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch của thị xã Quảng Yên tại xã Hoàng Tân và Liên Hòa. 
Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

* Tạo điều kiện cho người dân về thủ tục pháp lý

Những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình giao khu vực biển không phải mới xuất hiện, mà vấn đề đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm từ trước, tuy nhiên, sau bão, để sắp xếp lại ngành nuôi này đã bộc lộ thêm những bất cập.

Cụ thể, theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thì các hộ cá nhân, tổ chức khi đăng ký nuôi trên 1 ha trở lên, ở phạm vi từ 6 hải lý sẽ do thẩm quyền cấp tỉnh giao, ngoài 6 hải lý sẽ thuộc thẩm quyền cấp bộ. Nhưng, cả một quá trình để giao được khu vực biển sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất là 120 ngày.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản; tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển với cơ quan có thẩm quyền, xin ý kiến của 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và sau cùng là cấp tỉnh ra quyết định giao khu vực biển.

Việc giao khu vực biển là cơ sở pháp lý quan trọng và rất cần thiết, trước mắt, sẽ là căn cứ cho người dân có thể tín chấp hoặc thế chấp hồ sơ giao biển hợp pháp để vay vốn ở các tổ chức tín dụng, phục vụ cho hoạt động tái khôi phục sau bão số 3; đáp ứng cho việc cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Từ đó, sản phẩm được đưa vào chuỗi sản xuất hợp chuẩn hợp quy, có thể xuất khẩu. Mặt khác, việc triển khai nuôi biển bài bản, giao khu vực biển cũng là căn cứ để hỗ trợ cho người dân khi bị thiệt hại do thiên tai.

Theo ông Trần Văn Huấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà, khác với hàu cửa sông nuôi bằng bè tre, hoặc nuôi cá lồng bè dưới 1 ha có thể tổ chức sản xuất, sẽ không phải làm thủ tục đánh giá tác động môi trường, thẩm quyền giao biển thuộc cấp huyện.

Còn đối với nuôi hàu treo dây 1 ha chỉ nuôi được khoảng 12 dây, do vậy suất đầu tư ban đầu rất lớn, người dân phải nuôi ở diện tích lớn mới đảm bảo chi phí, thu nhập. Song các thủ tục để được giao biển còn khó khăn, nhất là phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chưa tính đến chi phí thực hiện đánh giá tác động môi trường ít cũng từ 140 triệu đồng/dự án.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể là không áp dụng đánh giá tác động môi trường với diện tích trên 1 ha trở lên với hoạt động nuôi nhuyễn thể, đặc biệt là hàu, vì loài nuôi này thức ăn là phù du trên biển, không có tác động bởi thức ăn công nghiệp, không phát sinh rác thải sinh hoạt vì không có chòi canh trên khu vực nuôi. Ngoài ra, các quy chuẩn quốc gia đối với hộ nuôi trồng thủy sản trên biển chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với nhuyễn thể.

Theo ông Trần Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại chưa có tổ chức, cá nhân nào thuộc thẩm quyền của tỉnh được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Thuận kiến nghị cần phân cấp, phân quyền hơn cho UBND cấp địa phương, như UBND cấp huyện có thể giao khu vực biển trong phạm vi 6 hải lý với hạn mức diện tích lớn hơn 1ha như quy định hiện tại, hay bỏ quy định việc lấy ý kiến các Bộ khi thẩm quyền thuộc cấp tỉnh; nghiên cứu quy định với quy mô diện tích phù hợp hơn, như quy mô công nghiệp với diện tích lớn thì mới yêu cầu có đánh giá tác động môi trường./.

PV

Xem thêm