An sinh

Thanh niên khởi nghiệp, thoát nghèo nhờ chăn nuôi

Hà Nam

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Nam mạnh dạn khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi tại địa phương.

Với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Nam mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên làm giàu và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Mô hình đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi của anh Nguyễn Đăng Phúc, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. 
Ảnh: TTXVN phát

Qua tìm hiểu thị trường, thấy được giá trị kinh tế từ con cầy hương, anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng xin giấy phép của cơ quan chức năng, rồi đầu tư chuồng trại nuôi loại động vật quý này.

Để cầy hương sinh trưởng tốt, anh Hiếu tìm hiểu mô hình nuôi cầy hương từ các trang trại ở Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình để áp dụng vào gia đình mình, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Đặc tính của cầy hương hoang dã, ăn tạp nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là chuối và cá - những nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Hiện nay, anh Hiếu đang nuôi 50 con cầy hương, đã bán được 2 lứa con giống với giá từ 12-15 triệu đồng/cặp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đi vào hoạt động ổn định, anh quyết tâm mở rộng cơ sở sau khi được Đoàn Thanh niên hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng từ vốn vay thanh niên lập nghiệp. Ngoài ra, anh tích cực tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều thanh niên địa phương có nhu cầu học tập, phát triển mô hình.

Mô hình nuôi Cầy hương của anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng cho thu nhập cao. 
Ảnh: TTXVN phát

Anh Hiếu cho hay, sau nhiều năm tìm kiếm mô hình vật nuôi phù hợp với địa phương anh nhận thấy, con cầy hương là hiệu quả nhất vì nó dễ nuôi, đầu tư không nhiều và mang hiệu quả kinh tế cao.

Chị Lê Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đoàn xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng cho biết, mô hình nuôi cầy hương của anh Hiếu là đầu tiên ở địa phương và đang cho thu nhập cao, ổn định. Vì vậy, Đoàn xã lan tỏa mô hình kinh tế này đến các đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Tương tự, mô hình đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi của Nguyễn Đăng Phúc, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm trở thành điểm sáng cho thế hệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, được nhiều người tìm đến học hỏi, làm theo.

Năm 2013, nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi tại địa phương, anh Phúc mạnh dạn vay vốn lập nghiệp của Đoàn Thanh niên, đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi gia cầm phát triển kinh tế cho gia đình.

Anh Phúc chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm qua kênh thông tin trên báo, Internet cũng như nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản khác trong và ngoài tỉnh để áp dụng vào chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng.

Đến nay, anh Phúc thu hoạch hơn một tấn cá, cùng với đó là hơn 300 con gà lai đông tảo và vịt thương phẩm, trừ chi phí, anh thu lãi được khoảng 200 triệu đồng. Sắp tới, anh mở rộng diện tích ươm nuôi cá, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động ở địa phương. Ngoài ra, anh tích cực tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều thanh niên địa phương có nhu cầu học tập, ổn định đời sống.

Anh Phúc cho biết, sau khi ổn định kinh tế, thời gian tới, anh nghiên cứu và nuôi những con giống chất lượng, có giá trị cao trên thị trường như, cá trắm cỏ, cá chép lai, ba ba... Để thực hiện được điều đó, anh mong tiếp cận được chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn vay ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế.

Với sức trẻ cùng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, anh Hiếu, anh Phúc đã tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Dù mỗi người có cách làm riêng nhưng với sự năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, họ đã gặt hái được thành công, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương và lan tỏa rộng khắp đến nhiều thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn Hà Nam, đơn vị triển khai nhiều chương trình, phong trào, hoạt động thiết thực cho thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế. Qua đó khơi dậy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 1722 của UBND tỉnh về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đến năm 2025.

Đến nay, có 129 ý tưởng khởi nghiệp với tổng số vốn 52,3 tỷ đồng được hiện thực hóa trong thực tiễn, phát triển thành các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam Nguyễn Xuân Đức khẳng định, phong trào khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên, xuất hiện tấm gương thanh niên đi đầu trong khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy và khích lệ thanh niên về ý thức lập thân, lập nghiệp, chú trọng khởi nghiệp tại quê hương. Đồng thời kết nối tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.../.

Nguyễn Trọng Đại Nghĩa

Xem thêm