Tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032.
Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ. Từ lâu, loài chim này là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, số lượng sếu tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim ngày càng giảm, có năm không về. Do đó, tỉnh đang triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032.
* Sếu trở về
Gần 30 năm trước, hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ di cư đến sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim nhưng gần đây, số lượng sếu về ngày càng ít. Theo thống kê của Vườn quốc gia Tràm Chim, năm 2015 chỉ có 21 con, năm 2016 là 14 con, năm 2017 là 9 con, năm 2018 là 11 con, năm 2019 là 11 con. Các năm 2020, 2022 và 2023, sếu không về Tràm Chim. Với đà suy giảm nhanh chóng như hiện nay, đàn sếu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Ông Bùi Thanh Phong, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho rằng, trước đây, sinh cảnh của Vườn quốc gia rất phù hợp với môi trường sống của sếu nên chúng về nhiều. Sau này, do phát triển kinh tế - xã hội, người dân sinh sống đông và sản xuất nông nghiệp, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến sinh cảnh, môi trường sống của sếu. Có giai đoạn vì trữ nước trong vườn phục vụ phòng cháy, chữa cháy nên lúa ma, cỏ năng - thức ăn ưa thích của sếu không có điều kiện phát triển. Do đó, chúng ít về vườn hơn.
Nhiều năm qua, khi sếu đầu đỏ xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim, những nhà khoa học nghiên cứu về sếu như Tiến sĩ Trần Triết, Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo… đều lên đường lần theo chỉ dấu của chúng. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, người xưa có câu “đất lành chim đậu”. Do đó, để thu hút sếu trở về Tràm Chim rất cần tạo ra mảnh “đất lành” và môi trường trong sạch.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Mục tiêu chung là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Theo kế hoạch, trong vòng 10 năm, tỉnh nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu có 50 cá thể sống sót. Việc phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần quan trọng bảo tồn đàn sếu đầu đỏ ở khu vực hạ lưu sông Mekong vốn đang đối diện với khả năng bị tuyệt chủng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, không chỉ dừng lại ở một năm, hai năm, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu phải là câu chuyện dài hơi có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm. Để sếu trở về, địa phương phải bắt tay vào phục hồi môi trường sống xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim, phục hồi trong vùng lõi, hệ sinh thái nông nghiệp và đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương.
Sau một thời gian nỗ lực cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim, vào tháng 3/2024 có 4 cá thể sếu đầu đỏ đã về tìm kiếm thức ăn tại phân khu A5. Đó là tín hiệu đáng mừng. Vườn quốc gia Tràm Chim và các đơn vị liên quan đang tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đầu đỏ sinh sống.
* Để sếu sống quanh năm ở Tràm Chim
Việc để sếu đầu đỏ về Tràm Chim đã khó, việc giữ chân chúng ở lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, Đồng Tháp đang cố gắng thực hiện điều đó. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, để thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Cùng với đó là hoạt động cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.
Hơn 30 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ, Tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á (Hội Sếu quốc tế), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vui mừng vì sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về Tràm Chim. Ông nêu rõ, Đề án đặt ra “tham vọng”, mục tiêu cao nhưng tỉnh Đồng Tháp sẽ đạt được với điều kiện môi trường vùng lõi tại Vườn quốc gia Tràm Chim phải được phục hồi.
Theo Tiến sĩ Trần Triết, đàn sếu đầu đỏ Việt Nam và Campuchia thường di chuyển theo mùa. Vào mùa mưa là mùa sinh sản, sếu sẽ ở phía Bắc của Campuchia. Đến mùa khô, sếu di cư về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang). Do đó, muốn đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm thì cần phải có nơi sống thích hợp, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản. Giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Vì vậy, ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo cho rằng, để biến Đồng Tháp thành “đất lành” cho sếu đầu đỏ sống quanh năm, người dân cần nhận thấy sếu đầu đỏ xuất hiện là dấu hiệu của môi trường trong sạch, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, người dân không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái để sếu đầu đỏ có thể sống và sinh sản tại địa phương./.
- Từ khóa:
- Đồng Tháp
- đất lành
- thu hút
- đàn sếu đầu đỏ
- trú ngụ