Xã hội

Tạo “cú hích” cho công nghiệp nông thôn phát triển

Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc đã cân đối nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động khuyến công đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn.

  Các sản phẩm gốm của người dân Hương Canh, huyện Bình Xuyên hiện nay đã thay đổi theo hướng đa dạng hóa  và coi trọng tính thẩm mỹ.
  Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Ông Ngô Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Phát triển công thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Năm 2024, trung tâm tiếp tục được tỉnh phê duyệt triển khai Chương trình khuyến công với tổng nguồn vốn gần 6,9 tỷ đồng. Mục tiêu đến hết năm 2024, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất cho 32 đơn vị…

Để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã cân đối nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động khuyến công đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với các hoạt động hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ... tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đầu tư, mua sắm, ứng dụng máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến vào quá trình sản xuất là một nội dung quan trọng trong hoạt động khuyến công hàng năm.

 Nghề rèn ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều khách hàng dịp cuối năm 
  Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Điển hình tháng 12/2023, Trung tâm Phát triển công thương tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Tường… nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” tại Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch với sự tham gia của 4 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực gia công cơ khí. Tổng kinh phí đầu tư của đề án là 1,148 tỷ đồng, trong đó vốn khuyến công hỗ trợ 556 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ đã đầu tư mua hệ thống lò nung bằng điện, lò tôi và máy móc khác sản xuất các mặt hàng nông cụ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa nguyên, nhiên, vật liệu cũng như tiết giảm thời gian, giải phóng sức lao động…

Với sự hỗ trợ sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công, cùng với việc giới thiệu mô hình, công tác vận động tuyên truyền, các hộ sản xuất, cở sở nghề ở địa phương đã tiếp cận được những công nghệ mới, kiến thức mới và hướng tới sự chủ động thay đổi cách thức sản xuất mới và hiện đại. Điều này giúp các cơ sở làm nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải phóng sức lao động, đặc biệt đem lại hiệu quả cao cho người dân.

Ông Trần Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho hay, để tạo ra năng suất, giải phóng sức lao động, những năm gần đây các cơ sở sản xuất, nhiều hộ gia đình làm nghề rèn ở làng nghề rèn Bàn Mạch đã chủ động đầu tư nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Riêng nghề rèn tại Bàn Mạch hiện nay có hơn 300 máy búa, 6 máy cán, 171 máy đột dập, hàng trăm máy nung phôi sắt thép...

Nhờ đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, hiện nay năng lực sản xuất phôi, gia công các mặt hàng rèn cao hơn cả chục lần so với sản xuất hoàn toàn bằng thủ công truyền thống. Đặc biệt, thông qua các Hội chợ triển lãm, chương trình quảng bá sản phẩm trên các trang điện tử, mạng, các cơ sở nghề có cách thức tiếp cận người tiêu dùng để tiêu thụ sản phẩm cơ khí, đặc biệt là các sản phẩm của nghề rèn… Hiện, người dân làng nghề rèn Bàn Mạch thực hiện bán hàng trên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên Tiktok, Shopee, Facebook... đã nâng mức bán hàng hóa trên sàn thường mại điện tử lên khoảng 20% tổng số sản phẩm làng nghề.

  Thợ rèn ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều khách hàng dịp cuối năm
  Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Theo ông Trần Hùng Mạnh, những bí quyết của người thợ, kết hợp với máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí đã mang lại lợi ích, thiệu quả thiết thực. Điển hình là các sản phẩm nhóm cắt, gọt, chặt... làm bằng thép đen được kết hợp giữa truyền thống và có sự hỗ trợ của máy móc thiết bị có tính sự chịu lực cao, khả năng bền bỉ cao khi va chạm và luôn tỏ ra sắc bén hơn các loại vật liệu khác, kể cả các loại hàng có thương hiệu và sản xuất ở một số nước. Chính vì thế, cánh thợ thịt, người làm cỗ vẫn thích dao chặt, dao cắt.. ở Bàn Mạch và không mấy khi ưa những sản phẩm dao, kéo "đẹp mã" nhập khẩu.

Công ty Xxuất nhập khẩu Dược phẩm quốc tế Palmy, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn muốn đầu tư máy móc, mở rộng các mặt hàng sản xuất. Với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ chương trình khuyến công, thời gian qua đơn vị đã mạnh dạn triển khai Đề án “Đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tăm bông” với tổng kinh phí 715 triệu đồng; trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng. Việc đưa vào sử dụng hệ thống máy móc sản xuất tăm bông tự động sẽ góp phần tăng doanh thu cho đơn vị từ 29,8 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập ổn định từ 35- 40 lao động…

Thực hiện Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công, từ năm 2012 đến 2024, tỉnh đã dành tổng kinh phí 3,37 tỷ đồng từ nguồn khuyến công địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển công thương tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 317 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ gần 31 tỷ đồng; thu hút được hơn 258 tỷ đồng vốn đối ứng.

 Các sản phẩm gốm của cơ sở sản xuất gốm Hương Canh. 
Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Ngoài ra, nguồn kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các nội dung như đào tạo quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp; lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ tác động đối với môi trường; quảng bá, xúc tiến thương mại; tư vấn xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì, trưng bày và giới thiệu sản phẩm….

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đào tạo, truyền nghề cho 350 lao động; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 160 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thuê tư vấn đánh giá về áp dụng sản xuất sạch hơn cho 8 cơ sở; xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; makerting; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực cho 60 cơ sở công nghiệp nông thôn.../.

Nguyễn Trọng Lịch

Xem thêm