Với đà phát triển của xã hội hiện nay, tuyến y tế cơ sở tại những vùng bãi ngang, bán đảo, xã đảo tại Khánh Hòa vẫn còn khó khăn, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục.
Tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở y tế biển, đảo để chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần tích cực cho công tác y tế cơ sở, trong đó có tham gia tiêm chủng mở rộng, khám, chữa bệnh ban đầu… Mạng lưới quân dân y cơ bản bao phủ toàn bộ tuyến biển, đảo với nhiều hình thức tổ chức như bệnh xá, đội điều trị, tổ quân y... Tuy nhiên, với đà phát triển của xã hội hiện nay, tuyến y tế cơ sở tại những vùng bãi ngang, bán đảo, xã đảo vẫn còn khó khăn, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục.
* Trạm y tế ở đảo vẫn thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men
Xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh) có 2 đảo là Bình Ba và Bình Hưng. Mỗi đảo đều có trạm y tế nhưng để được khám, điều trị bệnh có chất lượng tốt, người dân vẫn phải vào đất liền. Bởi trạm y tế còn thiếu trang thiết bị, phương tiện để thăm khám, điều trị bệnh. Chị Nguyễn Phụng Hoàng (sống trên đảo Bình Ba) cho biết, hành trình đi vào đất liền khám bệnh của 3 mẹ con chị tiền tàu xe ngang bằng tiền thuốc.
“Mấy mẹ con bị say tàu nên chuyến nào đi vào đất liền cũng bằng cano, mỗi người 100.000 đồng/lượt đi. Tính ra cũng là hơn 600.000 đồng cho 2 chặng đi và về. Vào được đất liền, tôi lại phải thuê xe từ bến cảng đến bệnh viện khám. Các loại chi phí cộng với tiền thuốc, dù có bảo hiểm chi trả, ba mẹ con cũng phải chi trả nhẹ thì 3 triệu mà nặng thì có khi cả chục triệu”, chị Hoàng nhẩm tính.
Dù tốn kém nhưng chị buộc phải đưa con vào đất liền khám bệnh, bởi hệ thống y tế ở trạm không đáp ứng được việc chẩn đoán các bệnh. Ước mong của chị Hoàng cũng như bao người dân xã đảo là trạm y tế ở xã có nhiều máy xét nghiệm tốt, các dịch vụ y tế chất lượng cao hơn nữa để các y, bác sỹ khám và điều trị được nhiều bệnh nguy hiểm.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, địa phương hiện là xã đảo với gần 6.000 người dân. Chính sách Nhà nước dành cho người dân trong lĩnh vực y tế đã được quan tâm trong những năm qua. Hệ thống trạm y tế đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Giá tàu dân sinh cũng có mức thu hợp lý 40.000 đồng/lượt vào đất liền. Nếu người dân phải cấp cứu gấp ban đêm thì buộc tự chi trả hàng triệu đồng để thuê cano.
Hoạt động của trạm y tế trên đảo không khác so với đất liền, thực hiện các vai trò, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế là thăm khám, cấp phát thuốc bệnh đơn giản và cấp cứu trước khi chuyển tuyến trên; tiêm phòng, truyền thông… Điểm khác lớn là có 2 phân trạm khám bảo hiểm ở hai đảo khác nhau, nên trong công tác chuyên môn phải hỗ trợ nhau thường xuyên. Chị Trương Thị Mai, Trưởng Trạm Y tế Cam Bình cho biết, mấy năm trở lại đây, khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng, y, bác sĩ thực hiện thủ tục chuyển tuyến sớm cho bệnh nhân, một phần vì đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh, phần khác để kịp tàu xe khi nhập viện ở đất liền.
* Vẫn chồng chất khó khăn
Ở phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang) có 3 phân trạm y tế trên đảo không triển khai khám bảo hiểm y tế. Việc này chỉ có 1 trạm chính ở trung tâm thành phố Nha Trang thực hiện. Y sĩ Trần Xuân Thư cho biết, đảo gần bờ nên rất thuận lợi, cứ 5 phút có một chuyến tàu nên người dân ở đây thường vào đất liền khám, chữa bệnh bảo hiểm. Ở đảo chỉ phụ trách tuyên truyền, tiêm chủng và những ca cấp cứu ban đầu. Các ca bệnh ở đây chủ yếu là ngộ độc thực phẩm, cảm, sốt...
Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên Trần Quang Thịnh cho biết, ở phường hiện có 1 phân trạm y tế ở Vũng Ngán bị xuống cấp nặng nên các hoạt động chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở đảo Trí Nguyên, Bích Đầm, hệ thống phân trạm y tế chỉ mới đáp ứng yêu cầu cơ bản sơ cứu những trường hợp nhẹ; còn công tác tiêm chủng, phòng, chống dịch đều cần nhân viên y tế trạm chính ở đất liền ra hỗ trợ. Chế độ, chính sách dành cho nhân viên y tế xã đảo của phường đang được hưởng mức lương, phụ cấp như ở đất liền. Ông mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa đến đời sống cán bộ, nhân viên tại đây.
Vạn Ninh là huyện phía Bắc của Khánh Hòa, trong số 13 trạm y tế của huyện có 10 trạm ở xã ven biển, đảo. Trong đó, Vạn Thạnh là xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Nơi đây có 1 trạm y tế chính và 5 phân trạm, trong đó có 4 phân trạm ở 4 đảo. Theo bác sĩ Phan Hùng Hà, Trưởng Trạm Y tế Vạn Thạnh, hiện đang có rất nhiều giấy tờ tồn đọng chưa kịp nhập liệu vào máy tính. Bởi vì ở phân trạm 4 đảo Khải Lương, Điệp Sơn, Ninh Đảo, Ninh Tân đều không có điện, mọi thông tin khám, chữa bệnh, các giấy tờ đều được viết tay, chuyển về trạm y tế trung tâm nhập liệu. Nhiều năm qua, vào mùa khô, các y sĩ, nhân viên y tế của trạm không có nước ngọt để sinh hoạt. Tuy khó khăn là vậy nhưng các y, bác sĩ vẫn bám đảo chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo các nhiệm vụ được giao.
Bác sĩ Phan Hùng Hà cho biết thêm, khó khăn nhất đối với y tế xã là thiếu hệ thống chuyển viện cấp cứu hiệu quả trên biển. Các phân trạm không có đủ phương tiện riêng vận chuyển bệnh nhân cấp cứu về trung tâm y tế huyện, chủ yếu nhờ vào tàu, thuyền của người dân, chi phí tốn kém trong khi đó đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trạm y tế không được thanh toán tiền giường bệnh cho sản phụ nằm nội trú sau sinh. Vì vậy, các y, bác sĩ chủ yếu chăm sức khỏe thai phụ trong thời gian mang thai, sau đó hướng dẫn người dân vào viện chờ sinh để được thanh toán bảo hiểm y tế. Cán bộ y tế đảo cũng không có chế độ phụ cấp khu vực như trước đây.
Bác sĩ Lương Đăng Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh nêu rõ, tại xã Vạn Thạnh từng được cấp máy siêu âm xách tay đen trắng theo Dự án Y tế nông thôn; đồng thời, cử bác sĩ tại trạm đi đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên do thời gian đào tạo chưa đủ, trình độ chưa đáp ứng nên bác sĩ chưa thực hiện được thủ thuật siêu âm. Máy siêu âm buộc phải điều chuyển sang Trung tâm y tế huyện để phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong toàn huyện và vùng lân cận. Tại Vạn Thạnh, nhân viên y tế được hỗ trợ phụ cấp khu vực ở mức 0,3, ngoài ra không có gì khác so với y, bác sĩ công tác tại xã ven biển khác.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Khoa thông tin, hệ thống y tế biển, đảo của tỉnh đã được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia, được sự quan tâm của các cấp, tuyến y tế biển ven bờ của tỉnh được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, năng lực của các trung tâm y tế, trạm y tế xã đảo còn khiêm tốn. Các dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Các y, bác sĩ tuyến này chưa được đào tạo chuyên môn sâu về y học biển, năng lực cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân trên biển; chưa có chính sách tài chính đầu tư riêng cho các y tế biển, đảo. Chế độ, chính sách cho y, bác sĩ các xã ven biển, đảo rất cần được quan tâm thêm./.
Bài cuối : Huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiệu quả