Cần Thơ chú trọng tăng cường các hoạt động chuyên môn, phối hợp cùng các sở ngành tuyên truyền đến các nhóm đối tượng nguy cơ thực hiện các biện pháp dự phòng, chủ động dự phòng phơi nhiễm HIV.
TTXVN - Ngày 11/11, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo 138 thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.
Theo đó, Tháng hành động sẽ diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 10/12, cao điểm từ ngày 20/11 đến ngày 5/12, với các nhóm hoạt động trọng điểm: tăng cường truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, chống phân biệt đối xử, vận động các tổ chức, cá nhân mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV…
Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cho biết, tại Việt Nam, đến tháng 9/2021 có gần 213.000 người nhiễm HIV đang còn sống, gần 192.000 bệnh nhân tử vong. Tại Cần Thơ, lũy tích đến 30/6/2022, số người nhiễm phát hiện được là hơn 7.000 người; trong đó, gần 4.500 người còn sống, tử vong gần 2.600 người. Đặc biệt, số người nhiễm HIV mới phát hiện được trong những năm gần đây tiếp tục tăng. Nam giới chiếm 95,7% trên tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện và hầu hết đều do quan hệ đồng giới nam không an toàn. Số người nhiễm HIV tập trung từ 16 - 49 tuổi. Những năm gần đây, nhóm tuổi trẻ từ 16 - 25 tuổi nhiễm HIV có dấu hiệu gia tăng, gần 20% là học sinh, sinh viên.
Theo Thạc sỹ Dáp Thanh Giang, chỉ có 30% người nhiễm trong cộng đồng được xác định, còn lại 70% chưa xét nghiệm HIV. Do đó, công tác tuyên truyền để giảm kỳ thị, nâng cao nhận thức về tình dục an toàn nhằm giảm tối thiểu khả năng lây nhiễm ở những nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Cụ thể, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, Sở Y tế sẽ đóng vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm chính, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và đơn vị truyền thông nâng cao công tác tuyên truyền đến cộng đồng. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất, cần có những sáng tạo trong hình thức và nội dung tuyên truyền. Đặc biệt là sự ứng dụng công nghệ thông tin để có thể truyền thông nhanh nhất và rộng nhất đến cộng đồng.
Sở Y tế sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho các đơn vị y tế cơ sở về dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cấp test xét nghiệm HIV miễn phí trên trang web tuxetnghiem.vn và cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương; giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV…
Các hoạt động trên sẽ kém hiệu quả nếu công tác vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV không được thực hiện tốt. Sự phân biệt, đối xử thường đến từ hiểu biết chưa đầy đủ về nguồn lây, cách thức điều trị bệnh, cũng như các phương pháp tình dục an toàn. Vì vậy, nhà trường – gia đình – xã hội cần phối hợp chặt chẽ để giám sát, tư vấn, điều trị các đối tượng nguy cơ để họ có thể tự chăm sóc cho mình, cũng như giảm thiểu sự lây lan ra cộng đồng.
Nhóm hoạt động quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS chính là vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Giải pháp này nhằm giúp cho bệnh nhân và gia đình giảm gánh nặng về chi phí y tế trong điều trị bệnh.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Ban Chỉ đạo 138 quốc gia đã có định hướng các địa phương cần đẩy mạnh nhiều hoạt động trọng điểm, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Do đó, Cần Thơ với vai trò là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi thu hút số lượng lớn người lao động và sinh viên các tỉnh về học tập và lao động, càng cần phải có các hành động quyết liệt để đạt được cam kết này. Trong đó, chú trọng tăng cường các hoạt động chuyên môn, phối hợp cùng các sở ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… tuyên truyền đến các nhóm đối tượng nguy cơ thực hiện các biện pháp dự phòng, chủ động dự phòng phơi nhiễm HIV.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/9/2022, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Cần Thơ được phát hiện là 7.148 trường hợp (trong đó, tử vong 2.592 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống quản lý được 4.556 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2021, số người nhiễm HIV được phát hiện không thay đổi, số chuyển AIDS tăng 2 và số tử vong giảm 46 trường hợp.
Tuy nhiên, trong số người phát hiện nhiễm HIV/AIDS 9 tháng đầu năm 2022 chủ yếu là lây truyền qua quan hệ tình dục chiếm 92,1% và đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (viết tắt là MSM) chiếm tới 58,4%. Tập trung nhiều vào nhóm tuổi từ 15-49 tuổi chiếm 93,8% và nghề nghiệp của đối tượng chủ yếu là lao động tự do chiếm 59,8 % và học sinh, sinh viên chiếm 17,2%./.