Chỉ đạo, Điều hành

Chia tách khu phố, ấp tại Thành phố Hồ Chí Minh: Cần sớm hoàn thiện Quy chế hoạt động

TP. Hồ Chí Minh

Sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới

Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Thuý chủ trì hội nghị. 
Ảnh: Hồng Giang - TTXVN 

Ngày 20/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị quyết 11/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn Thành phố, trong tháng 4/2024, Ủy ban nhân dân các cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã triển khai xây dựng phương án tổng thể sắp xếp khu phố, ấp.

Kết quả, sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới (từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 20.516 tổ chức); tinh giản nhân sự còn 43.749 người (giảm 20.544 người); giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã.

HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND, trong đó Điều 5 và khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết liên quan đến người tham gia hoạt động khu phố, ấp; mức khoán quỹ phụ cấp, phụ cấp của các chức danh khu phố, ấp căn cứ theo quy mô số hộ dân. Đồng thời, Nghị quyết điều chỉnh về số lượng, mức hỗ trợ hàng tháng không quá số lượng 4 người đối với khu phố, ấp; mức hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở, hiệu lực thực hiện từ ngày 1/4/2024.

Tại hội nghị, các đại biểu là bí thư khu phố, trưởng ấp… tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức trên địa bàn Thành phố cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là các địa phương vẫn chưa hoàn thiện Quy chế quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trưởng khu phố, ấp; chưa hoàn thiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, tổ chức trong khu phố, ấp.

Ông Bùi Thế Hùng, Bí thư Chi bộ Khu phố 25, Phường 15, quận Tân Bình phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: Hồng Giang - TTXVN 

Ông Bùi Thế Hùng, Bí thư Chi bộ Khu phố 25, Phường 15, quận Tân Bình cho biết, do chưa hoàn thiện quy chế quy định nhiệm vụ của trưởng khu phố nên hiện tại Khu phố 25 vẫn chưa thể thực hiện phối hợp các hoạt động giữa các thành viên trong khu phố. Do nhân sự khu phố ít, khó vận động người tham gia nên một số thành viên khu phố phải thực hiện công tác kiêm nhiệm thêm nhiều chức danh hoặc kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau tại các cơ sở như Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ… tại địa phương, khối lượng công việc phải xử lý nhiều.

Về vấn đề chức danh, nhiều đại biểu cho rằng, trước đây, mỗi khu phố có 9 chức danh, đến khi tách ra chỉ còn 4 chức danh nhưng số khu phố tăng thêm nên buộc nhân sự phải tăng theo. Tuy nhiên, mặc dù nhiều khu phố đã tích cực vận động nhân sự tham gia nhưng người dân không ai muốn làm khiến việc triển khai các chức danh dưới khu phố rất vất vả.

Các đại biểu kiến nghị Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng Khu phố 12, Phường 4, quận Tân Bình chia sẻ, kinh phí thực nhận cho hoạt động khu phố tại một số địa phương chỉ có hơn 3,1 triệu đồng/khu phố/tháng, thấp hơn mức quy định của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh là 3,5 triệu đồng/khu phố/tháng do áp dụng việc giữ lại 10% để thực hiện cải cách tiền lương theo thông tư của Bộ Tài chính. Riêng tại Phường 4, quận Tân Bình, đã 3 tháng các khu phố chưa nhận được kinh phí hoạt động.

Các đại biểu kiến nghị Sở Tài chính có hướng dẫn về mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã cùng mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp. Sở cần chú trọng hướng dẫn sử dụng, quyết toán kinh phí hoạt động của khu phố, trong đó, quan tâm việc quy định có hay không việc giữ lại 10% vì khu phố không phải là cơ quan Nhà nước mà là cấp tự quản; hướng dẫn thực hiện chi kinh phí hoạt động và phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở.

Đa số các khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố hiện không có văn phòng hoạt động; chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung hoặc có điểm sinh hoạt nhưng quy mô chưa đảm bảo... Các đại biểu đề nghị, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xem xét bố trí địa điểm sinh hoạt, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với nhiệm vụ của khu phố, ấp trong tình hình mới...

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc chuyển kinh phí sinh hoạt cho khu phố, ấp đang được triển khai nhưng không thể thực hiện đồng loạt, Sở sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai sớm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thêm, Sở sẽ kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố sớm ban hành Quy chế hoạt động, từ đó, làm căn cứ cho công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Sở kiến nghị sở, ngành có liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các chức danh ở khu phố, ấp để hoạt động hiệu quả.

Sở Nội vụ kiến nghị đơn vị liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn rà soát các trụ sở hoạt động của khu phố, ấp để có định hướng hỗ trợ; quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp./.

Hồng Giang

Tin liên quan

Xem thêm