Việc đầu tư, phát triển về công nghệ quan trắc, dự báo, nguồn nhân lực… để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới theo hướng ngày càng nhanh, tin cậy có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là giai đoạn ứng phó và phòng ngừa.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới. Do vậy, việc đầu tư, phát triển về công nghệ quan trắc, dự báo, nguồn nhân lực…để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới theo hướng ngày càng nhanh, tin cậy có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là giai đoạn ứng phó và phòng ngừa. Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết: “Chủ động dự báo bão tại Việt Nam".
Bài 1: Nỗ lực dự báo - giảm thiểu thiệt hại
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và tiệm cận đến trình độ của các nước phát triển về khí tượng thủy văn trên thế giới, trong khu vực. Đối với các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực, công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã không ngừng cải thiện theo hướng chuẩn xác và sát thực tế hơn. Trước, trong, và sau thiên tai, các cơ quan Khí tượng thủy văn đều chủ động trao đổi thông tin trực tiếp với chính quyền địa phương về mức độ nguy cơ và các rủi ro có thể để chính quyền địa phương các cấp có các phương án chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả.
*Úng dụng khoa học công nghệ trong dự báo bão
Quảng Trị là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ các loại hình thiên tai, trong đó, nhiều nhất là bão, lũ lụt. Theo số liệu thống kê từ năm 2014-2024, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 37 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (chịu ảnh hưởng gián tiếp của 20 cơn, ảnh hưởng trực tiếp 17 cơn trong đó có 4 cơn đổ bộ trực tiếp vào đất liền của tỉnh). Trung bình mỗi năm, Quảng Trị chịu ảnh hưởng khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Loại hình thiên tai này đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Do đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất rủi ro thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế -xã hội địa phương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.
Chị Phạm Ngọc Phương, Dự báo viên Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị cho biết, Đài đã áp dụng khoa học công nghệ trong việc thu thập các số liệu quan trắc, phân tích hệ thống thời tiết qua bản đồ Synop, ảnh mây vệ tinh Himawari, ảnh Rada thời tiết, đánh giá và lựa chọn các kết quả mô hình dự báo số trị để đưa ra kết quả có độ tin cậy cao nhất. Ngoài ra, việc truyền tải thông tin dự báo bão cũng được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng nhằm đưa thông tin nhanh nhất đến người dùng.
Đề cập đến hiệu quả thông tin về bão, bà Nguyễn Thị Long, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Xã Gio Quang hứng chịu nhiều trận mưa lũ, bão. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo rất chính xác; từ đó người dân kịp thời di dời người và tài sản”.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 35 trạm đo mưa tự động, 10 trạm cảnh báo về mực nước lũ, 16 trạm giám sát, quan sát về thiên tai. Dựa trên hoạt động quản lý và khai thác mạng lưới trạm quan trắc, phục vụ dự báo, cảnh báo; thu thập thông tin, dữ liệu; giúp giám sát biến đổi khí hậu, những tác động của thời tiết.
Theo ông Cao Văn Thành, Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Trị, công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh luôn được sự quan tâm, đầu tư phát triển công nghệ dự báo từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, sự hỗ trợ tích cực của địa phương.
*Nâng cao nhận thức người dân
Khánh Hòa là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, bão Damrey năm 2017 đã làm 45 người thiệt mạng và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, bão Damrey đã để lại cho Khánh Hòa nhiều bài học kinh nghiệm đau xót, trong đó có bài học người dân còn chủ quan khi nghe các dự báo thời tiết của các cơ quan khí tượng thủy văn cũng như cơ quan truyền thông.
Ý thức sâu sắc sự nguy hiểm cũng như tác động lớn do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra, những năm trở lại đây, nhờ các phương tiện và kỹ thuật dự báo hiện đại, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đã thực hiện tốt công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, cũng như công tác thông tin về loại hình thiên tai này cho khu vực các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhờ đó, người dân chủ động nắm bắt tốt các thông tin dự báo, thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả; tỷ lệ thiệt hại về người và tài sản giảm dần qua các năm. Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa không có thiệt hại về người trong các thiên tai.
Do ảnh hưởng của La Nina, chỉ mới gần cuối tháng 7, trên biển Đông đã xuất hiện cơn bão thứ 2 trong năm 2024, điều này có phần tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân khu vực phía Nam. Tại Cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa, nhiều thuyền trưởng, chủ thuyền khi nghe dự báo thời tiết có bão đã chủ động chuẩn bị nhiên liệu đầy đủ cho hải trình dài ngày; đồng thời, chuẩn bị phương án tiếp nhận thông tin dự báo từ các kênh để có hướng xử lý kịp thời trên biển. Thuyền trưởng tàu cá QNg 9387 Bùi Hót cho biết: “Là ngư dân, tôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết. Khi đang thực hiện đánh bắt cá trên biển mà nghe được thông tin có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tôi sẽ chủ động di chuyển tàu về khu vực an toàn, tránh xa vùng nguy hiểm”.
Từ đặc thù vị trí địa lý và những tác động của các loại hình thiên tai, đặc biệt là bão và các tác động do bão, thời gian qua, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, Đặc biệt, những nghiên cứu về dự báo tác động do bão đã được Đài dày công nghiên cứu mở rộng và áp dụng thử nghiệm trong dự báo tác nghiệp.
Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ Trần Văn Hưng cho biết: “Thực tế những năm qua cho thấy, nhờ ứng dụng công nghệ, chúng tôi đã có những bản tin cảnh báo và dự báo chính xác hơn, thời gian dự báo dài hơn, đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai, đảm bảo phát triển kinh tế”.
Trong những tháng cuối năm 2024, mưa lớn và bão lũ được dự báo có khả năng diễn ra dồn dập tại khu vực miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. Ngay từ đầu mùa mưa, tỉnh đã chuẩn bị các phương án bảo vệ an toàn hồ đập, nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp nhận các thông tin.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ Khánh Hòa Nguyễn Duy Quang khẳng định: "Chúng tôi thực hiện các công trình được địa phương giao phó như xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hồ chứa, hệ thống kênh mương, công trình chắn sóng ven sông và ven biển. Các công trình xây dựng này rất quan trọng, giúp chống chịu được các tác động của thời tiết, bão và áp thấp nhiệt đới khi xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Với những giải pháp đồng bộ và sự nhất quán cao trong chỉ đạo, thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn nói chung, bão và áp thấp nhiệt đới nói riêng, đặc biệt là nhận thức của người dân về các loại hình thời tiết, khí hậu cực đoan thông qua các kênh dự báo hiện đại của hệ thống, mô hình dự báo thời tiết, các thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng giảm nhẹ, từ đó, người dân sẽ dần thích ứng và ứng phó với thiên tai một cách chủ động./.
Bài cuối: Hành động sớm - yếu tố quan trọng trong phòng chống thiên tai
- Từ khóa:
- dự báo
- bão
- giảm thiểu
- thiệt hại
- thiên tai